Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đề án phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS - 5 năm nhìn lại: Những rào cản không dễ phá bỏ (Bài 2)

Hồng Minh - 16:38, 20/07/2022

Sau 5 năm thực hiện Đề án phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào DTTS đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vào thực tiễn vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc từ cơ thế, chính sách, đặc thù địa lý, bản sắc văn hóa... Trong nhiều khó khăn đó phải kể đến khó khăn về đội ngũ báo cáo viên biết tiếng DTTS còn hạn chế và thiếu kỹ năng tuyên truyền,...

Sự khác nhau trong cách đọc, cách nói, cách viết của mỗi dân tộc khiến người dân khó khăn trong tiếp cận tài liệu (Ảnh minh họa)
Sự khác nhau trong cách đọc, cách nói, cách viết của mỗi dân tộc khiến người dân khó khăn trong tiếp cận tài liệu (Ảnh minh họa)

Vướng mắc từ cơ chế

Mặc đù, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản đã quy định khá chi tiết, cụ thể nội dung, hình thức, biện pháp, chính sách PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay chưa ban hành được văn bản quy định “chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPL”. 

Do vậy, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại vùng DTTS và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, thiếu đội ngũ báo cáo viên biết ngôn ngữ DTTS, có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, một số định mức chi tại Thông tư liên tịch số14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước, bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn thấp. 

Nội dung chi chưa bao quát các hoạt động đặc thù, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như: Kinh phí xây dựng, quảng cáo, duy trì tài khoản PBGDPL trên mạng xã hội; xây dựng các ứng dụng, phần mềm bằng ngôn ngữ của các DTTS để PBGDPL; cập nhật tin, bài, tiểu phẩm tuyên truyền, vận động, câu chuyện pháp luật, sách, tài liệu điện tử bằng ngôn ngữ DTTS; hỗ trợ các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, biết tiếng DTTS, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện là người DTTS…

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động, kịp thời, chưa phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Đề án, chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS và miền núi, nên công tác này ở một số địa phương chưa được chú trọng, thường xuyên, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. 

Địa hình làm cản trở đến công tác tuyên truyền PBGDPL (Ảnh minh họa)
Địa hình khó khăn cũng là rào cản ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền PBGDPL (Ảnh minh họa)

Đến đặc thù vùng miền

Cùng với vướng mắc do cơ chế, thì với địa hình miền núi đa dân tộc sinh sống nên công tác tuyên truyền PBGDPL cũng gặp nhiều khó khăn, từ việc bất đồng văn hóa, ngôn ngữ và cách trở về địa lý đã tạo áp lực lên các cán bộ tuyên truyền. Việc tiếp cận tuyên truyền PBGDPL tới người dân theo cách thông thường như: phát tờ rơi, khẩu hiệu, pano hoặc qua mạng viễn thông... hiệu quả thấp.

Ông Kpă Đô, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, cho biết, do điều kiện vị trí địa lý, đặc điểm dân số nên công tác tuyên truyền PBGDPL gặp không ít khó khăn. Một bộ phận người DTTS chưa được tiếp cận đầy đủ chính sách, pháp luật, từ đó dẫn đến tình trạng ở nhiều nơi còn tồn tại các tập tục lạc hậu như, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vấn nạn tự tử, truyền đạo trái pháp luật, vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Đặc biệt, thời gian gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến thanh- thiếu niên DTTS có dấu hiệu gia tăng.

Cùng với đó, một số địa phương ở tỉnh Gia Lai cũng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu tuyên truyền. Cụ thể, tài liệu tuyên truyền pháp luật bằng 3 thứ tiếng Việt, Ba Na, Jrai được cấp phát miễn phí. Tuy nhiên, không ít người dân gặp khó với các tài liệu này. Nguyên nhân là cùng một dân tộc nhưng cách đọc, viết và nói ở các địa phương trong tỉnh lại khác nhau nên người dân không hiểu, không đọc được nhiều loại tài liệu tuyên truyền.

Bên cạnh đó, kinh phí trong thực hiện tuyên truyền còn rất hạn chế. Các địa phương vùng DTTS và miền núi, cơ bản là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên việc bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Đề án còn gặp nhiều khó khăn, có địa phương đến năm 2021 mới bố trí ít kinh phí, thậm chí có địa phương chưa bố trí nguồn kinh phí riêng để thực hiện Đề án...

Đơn cử, tại Kon Tum từ khi thực hiện Đề án đến nay Trung ương không bố trí kinh phí; trong khi tỉnh Kon Tum là một tỉnh nghèo ngân sách địa phương còn hạn hẹp. Trong những năm qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh và một số huyện đã tự cân đối kinh phí địa phương để bố trí cho các cơ quan chuyên môn thực hiện, so với kinh phí được phê duyệt theo Kế hoạch của Đề án chỉ đạt 28,5% (1.254 triệu đồng/4.329 triệu đồng).

Ngoài ra, các năm 2020 - 2021, do tình hình, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL, nhất là tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, lớp tập huấn về PBGDPL tại vùng DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ thời gian, mục tiêu của Đề án.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.