Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Một ngày “ăn ong” ở U Minh Hạ

Song Vy – H.Diễm - 10:43, 05/09/2022

Rừng Quốc gia U Minh Hạ với những khu rừng tràm bạt ngàn xanh tốt quanh năm, sản vật phong phú, tạo nên một hệ sinh thái đa dạng, dựa vào thế mạnh này nhiều người dân đã đẩy mạnh phát triển du lịch dưới tán rừng và gác kèo ong, cũng là một nghề đặc trưng, khác biệt, tạo nên thương hiệu trăm năm, sự tò mò thích thú thúc giục những bước chân tìm đến khám phá và trải nghiệm.

Du khách phấn khích trải nghiệm nếm thử mật ong giữa rừng tràm
Du khách phấn khích trải nghiệm nếm thử mật ong giữa rừng tràm

Gác kèo ong lấy mật, dân gian còn gọi là nghề “ăn ong”, làm mắm nhộng (ong non)... là những lát cắt trải nghiệm, không nên bỏ lỡ khi đến du lịch ở hệ sinh thái rừng nước ngọt ở Cà Mau. Hàng chục năm trước, đây chỉ đơn thuần là một nghề của người dân, thì nay đã trở thành một sản phẩm du lịch, để du khách tham quan và trải nghiệm thực tế câu chuyện một ngày đi ăn ong; hay một ngày làm mắm nhộng ong cùng người dân địa phương.

 Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt ở ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, là một trong số ít cơ sở khai thác khá hiệu quả loại hình du lịch này. Điểm du lịch này hình thành năm 2015, quy mô hiện tại khoảng 60 héc ta.

Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch cho hay: Vào trước mùa hoa tràm nở, người thợ gác kèo ong bằng kinh nghiệm sẽ làm kèo gác, đón đúng hướng thì ong cứ về làm tổ và cho những dòng mật ngọt ngào. Cứ như vậy, quanh năm, người U Minh cần mẫn vào rừng thu hoạch. Vì thế đến U Minh, lúc nào du khách cũng được mời ăn ong non chấm mật, thứ mật màu vàng cam, trong vắt, ngọt nhẹ, đặc biệt thơm ngát hương hoa tràm. 

"Tại đây, tôi còn tạo các tour khám phá rừng tràm, với hoạt động thú vị như: đặt lợp bắt cá, giăng lưới và đặc biệt là được theo chân các thợ vào rừng lấy mật". anh Khanh thông tin thêm.

Du khách được trải nghiệm khám phá rừng tràm
Du khách được trải nghiệm khám phá rừng tràm

Nghe lời giới thiệu đầy hấp dẫn của anh Khanh, chúng tôi quyết định vào rừng lấy mật, "ăn ong" cùng thợ gác kèo ong theo kiểu chuyên nghiệp và đầy gây cấn, vì người dân nói nếu không cẩn thận sẽ bị ong đốt…không thấy đường về.

Trước khi vào rừng, thợ bắt ong trang bị vài bó bùi nhùi làm bằng gốc lúa, hay lá dừ khô để xông khói, một con dao bén với chiếc thùng lớn, tấm lưới bảo vệ không cho ong bấm vào mặt, là có thể xuống những chiếc tắc ráng, ghe tam bản, len lỏi qua những con rạch trong rừng tràm nguyên sinh; qua những cánh đồng lau sậy, đầm nước để khám phá vẻ đẹp thanh bình, nguyên sơ..., khởi động cho hành trình tìm kiếm các loài động vật sinh sống dưới tán rừng và tìm kèo ong lấy mật.

 Đưa chúng tôi đi "ăn ong", anh Khanh kể chuyện, ngày xưa các cha các chú của anh làm nghề gác kèo ong, những câu chuyện đi rừng thú vị, làm nhiều người trẻ xuýt xoa ngưỡng mộ và trầm trồ ngợi khen sự dũng cảm của những người đi trước khẩn hoang mở cõi, những mẩu chuyện đan xen giữa hiện đại quá khứ làm chuyến thăm thú thêm phần hấp dẫn.

Quy trình lấy mật của thợ
Quy trình lấy mật của thợ

Đến địa điểm lấy mật, đoàn chúng tôi chia làm hai nhóm: nhóm dũng cảm trang bị lưới đội đầu đề phòng ong tất công lúc lấy mật; Nhóm còn lại, đầu cũng đội lưới nhưng ngồi yên trên ghe chờ đồng đội mang chiến lợi phẩm về. 

Những người vào nhóm kèo ong, sẽ tận mắt nhìn cách khai thác mật ong rừng thiên nhiên, được nếm những giọt mật thơm lừng do chính tay mình vắt từ tổ ong và khoe trước những đồng đội nhát gan. Mùi thơm đặc trưng của mật ong thiên nhiên và vị ngọt thanh trên đầu lưỡi, quả là có một sức hấp dẫn; Nhất là khi được thưởng thức ngay trong rừng. Thứ mật ngọt được kết tinh từ trăm nghìn bông hoa tràm, làm cả đoàn chúng tôi mê mệt không rời, chuyền tay nhau vừa thưởng thức vừa chụp ảnh, đây là một trải nghiệm tuyệt vời khi đến rừng tràm U Minh.

Chị Lê Thị Ngọc Diễm, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, cùng đoàn trải nghiệm với chúng tôi chia sẻ: “Lần đầu tôi tham gia chuyến đi gây cấn đến vậy, cũng lần đầu tôi tận mắt chứng kiến quy trình lấy mật ong, thưởng thức ngay tại chỗ giữa không gian mênh mông rừng tràm cảm giác rất khác lạ, rất đặc biệt. Tôi nghĩ những hoạt động này sẽ rất cuốn hút với những người đam mê khám phá tìm hiểu về vùng đất con người Cà Mau.”

Sau một ngày mệt nhoài khám phá rừng U Minh Hạ, thưởng thức món ngon miệt rừng, ngả lưng trong ngôi nhà giữa mênh mông rừng tràm, chúng tôi thiếp đi trong những âm thanh của rừng, gió khẽ đưa hương bông tràm tỏa khắp không gian, mùi hương thoang thoảng dễ chịu khiến lòng người lưu luyến khôn nguôi…

Rừng Quốc gia U Minh Hạ là nơi vẫn còn giữ được hệ sinh thái nguyên sinh đa dạng
Rừng Quốc gia U Minh Hạ là nơi vẫn còn giữ được hệ sinh thái nguyên sinh đa dạng

Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau, tổ chức thực hành để phục vụ khách du lịch trải nghiệm các công đoạn làm nghề, thưởng thức các sản phẩm từ ong...

Với giá trị tiêu biểu, nghề gác kèo ong được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4613/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019.

Sau khi Nghề gác kèo ong được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, Ủy ban Nhân dân hai huyện U Minh và Trần Văn Thời, đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm Nghề gác kèo ong ở U Minh Hạ bảo tồn, phát huy nét văn hóa đặc trưng của vùng đất rừng tràm Cà Mau; phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nhằm tạo sinh kế bền vững cho cư dân vùng rừng U Minh Hạ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.