Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thoát nghèo từ nuôi ong mật bạc hà

Phạm Văn Phú - 08:08, 13/09/2021

Khi đến tham quan mô hình nuôi ong mật khai thác từ hoa bạc hà của anh Thò Mí Già ở thôn Há Pia, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn (Hà Giang), mọi người đều cảm phục sự kiên trì và quyết tâm vươn lên thoát nghèo trên vùng đất khó của chàng thanh niên dân tộc Mông.

 

Anh Thò Mí Già đang kiểm tra đàn ong mật của gia đình
Anh Thò Mí Già đang kiểm tra đàn ong mật của gia đình

Sinh ra, lớn lên tại vùng cao núi đá Đồng Văn, cũng như đồng bào Mông quê mình, anh Thò Mí Già vất vả mưu sinh nhưng cái nghèo vẫn đeo bám vì thu nhập chỉ trông chờ vào gần 0,7 ha ngô một vụ/năm. Nhiều năm trăn trở suy nghĩ tìm hướng thoát nghèo, anh Già nhận thấy quê mình có loài cây bạc hà mọc hoang dã bạt ngàn trong tự nhiên. Vào mùa hoa bạc hà, một số hộ gia đình đã nuôi ong khai thác lấy mật để bán, mang lại thu nhập khá cao. Với suy nghĩ “người ta làm được tại sao mình lại không”, anh Thò Mí Già quyết định đi đến các gia đình nuôi ong mật trên địa bàn huyện để học hỏi kinh nghiệm.

Năm 2016, anh Già mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Văn 50 triệu đồng để đầu tư làm 50 thùng ong và mua giống về nuôi. Khi mới bắt tay vào nuôi ong, do chưa có kinh nghiệm nên lượng mật khai thác được không đáng kể, một số đàn ong bị nhiễm bệnh thối ấu trùng nên chết dần, chết mòn. Không nản chí, anh Già lại đi gặp cán bộ khuyến nông và những người đã nuôi ong thành công để nhờ tư vấn kỹ thuật nhân đàn, chăm sóc ong sao cho đúng cách.

Hoa bạc hà nở vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau
Hoa bạc hà nở vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau

Mùa hoa bạc hà năm 2017, đàn ong của anh Già phát triển tốt, cho lượng mật khai thác được gần 70 lít. Với giá bán từ 370 - 400.000 đồng/lít, anh Già thu về gần 30 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, năm 2018, anh Già huy động số tiền bán ngô và bán lợn để đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong lên 120 đàn. Cuối vụ hoa bạc hà năm 2018, anh Già thu được gần 200 lít mật, bán được gần 80 triệu đồng.

Từng bước mở rộng dần quy mô nuôi ong, đến nay, anh Già duy trì đàn ong từ 300 - 350 đàn. Mỗi mùa hoa bạc hà, anh thu hoạch được lượng mật ong từ 670 - 700 lít, với giá bán từ 400 - 450 nghìn đồng/lít, vụ hoa bạc hà năm 2020, anh Già thu về khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang chuẩn bị cho mùa nuôi ong vụ hoa bạc hà năm 2021 với khoảng gần 350 đàn.

Anh Già cho biết, do cây hoa bạc hà chỉ nở rộ hoa vào khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng tháng 2 dương lịch của năm sau nên công việc nuôi ong và khai thác mật cũng chỉ diễn ra trong thời gian này. Muốn nuôi ong khai thác mật thành công thì người nuôi phải tìm hiểu kỹ về kỹ thuật nhân đàn, phòng trừ dịch bệnh, khai thác và bảo quản mật… Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả khai thác mật, người nuôi ong cần phải di chuyển đàn ong đến gần các khu vực có nhiều cây bạc hà đang nở hoa; phải chọn thời điểm khai thác mật phù hợp để không ảnh hưởng đến năng suất mật và khả năng khai thác phấn hoa của đàn ong.

Mật ong bạc hà có hương thơm rất đặc trưng
Mật ong bạc hà có hương thơm rất đặc trưng

Ngoài nuôi ong khai thác phấn hoa cây bạc hà, gia đình anh Già còn phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa và gà xương đen để xuất bán ra thị trường. Để có nguồn lương thực phục vụ cho sinh hoạt và phục vụ chăn nuôi, gia đình anh Già còn trồng gần 1 ha ngô nương và ngô ruộng.

Anh Ly Mí Pó, Chủ tịch UBND xã Sủng Trái nhận xét: Anh Thò Mí Già là một gương điển hình của xã trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Già còn là đoàn viên thanh niên gương mẫu trong các phong trào Đoàn của xã.

Từ những thành tích trong phát triển kinh tế gia đình và phát triển nuôi ong mật bạc hà, anh Thò Mí Già đã được Huyện đoàn Đồng Văn biểu dương khen ngợi.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.