Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

“Buôn Cháy” bây giờ

Lê Hường - 10:12, 10/12/2020

Đồng bào Ê đê đặt cho buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’Gar (Đăk Lăk) là buôn Cháy. Bởi trong kháng chiến, buôn Ea M’droh từng bị phóng hỏa thiêu rụi. Đất nước thống nhất, xây dựng lại từ đống tro tàn, “buôn Cháy” từng ngày khởi sắc, căng tràn sức sống.

Những căn nhà sàn bộ đội làm cho bà con buôn Ea M’droh được bảo tồn
Những căn nhà sàn bộ đội làm cho bà con buôn Ea M’droh được bảo tồn

Huyền thoại “buôn Cháy”

Dẫn chúng tôi đi trên con đường phẳng lì, dọc hai bên đường nhà sàn san sát, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh Nguyễn Thị Tuyết vui mừng khoe: “Gần 20 năm về đây công tác, tôi thấy rõ “buôn Cháy” đổi khác từng ngày. Không chỉ cơ sở vật chất khang trang mà đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của bà con không ngừng được nâng cao. Cả buôn bây giờ chỉ còn 6% hộ nghèo; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả; con em học đại học, cao đẳng ngày càng đông”.

Ở tuổi 74, bà H’Răng Niê vẫn còn nhớ như in những thăng trầm của buôn Ea M’droh. Bà H’Răng kể: Ngày đó, đồng bào Ê đê buôn này đồng lòng theo cách mạng. Thanh niên trong buôn ngày đi làm rẫy, đêm đến lại gùi gạo vào rừng tiếp tế cho bộ đội. Biết buôn nuôi giấu cán bộ cách mạng, Mỹ - Ngụy tìm mọi cách diệt hậu phương kháng chiến. 

“Tôi còn nhớ, những lần quân địch vào từng nhà lùng sục, chúng tôi giấu cán bộ cách mạng trên mái nhà rồi hun khói mù mịt để che mắt giặc. Bộ đội ở trên, thì lấy khăn ướt bịt miệng, mũi để khỏi hít phải khói, tìm không thấy mà khói xông mù mịt chúng lại ra về”, bà H’Răng Niê nhớ lại.

Năm 1962, khi bà H’Răng Niê đang làm nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đăk Nông), thì nghe tin giặc đốt buôn. Tất cả tài sản nhà cửa, trâu bò, ngô lúa… bị ngọn lửa quân thù thiêu rụi. Chúng đốt lúc giữa trưa, buôn chỉ có vài người già và trẻ nhỏ. Không có người chết cháy, nhưng người dân vô cùng hoảng loạn. 

“Khi buôn bị đốt, gia đình tôi có bà ngoại và em gái 8 tuổi ở nhà thoát chết trong đám cháy, nhưng vì sợ hãi, đêm đó em gái tôi qua đời, sau đó không lâu bà tôi cũng mất”, giọng bà H’Răng trùng xuống khi nhắc lại câu chuyện đau lòng năm xưa.

Tiếp câu chuyện của bà H' Răng, ông Y Rang Niê Kđăm, Trưởng buôn Ea M’droh cho biết: Ngày buôn bị đốt, tôi còn rất nhỏ, nghe cha mẹ kể lại, buôn bị đốt mất sạch tài sản nhưng tất cả vẫn một lòng theo Đảng, theo Cách mạng. Đồng bào Ê đê buôn Ea M’droh cùng nhau vào rừng trú ẩn, tiếp tục sản xuất phục vụ kháng chiến. Sau ngày đất nước thống nhất, 36 hộ dân tìm về xây dựng lại buôn cũ. Lúc bấy giờ, buôn đã trở thành vùng đất hoang, cây cối um tùm. Bà con cùng nhau cắt tranh, tre nứa dựng nhà, chia nhau vào rừng đào củ mài, khai hoang đất sản xuất, rồi đến các buôn khác xin hạt giống gieo trồng. Từ đó, người dân đặt cho buôn Ea M’droh cái tên “buôn Cháy”.

“Ngày đó cực khổ lắm, vừa đói, vừa rét, cứ 2 ngày đi rừng, 1 ngày khai hoang nương rẫy, hạt giống đi xin, suốt thời gian dài cả buôn không được ăn hạt cơm nào, nhưng bà con sống với nhau nặng nghĩa tình, cùng nhau xây dựng quê hương”, Trưởng buôn Ea M’droh xúc động kể.

Đường vào buôn Ea M’droh
Đường vào buôn Ea M’droh

"Buôn Cháy" bây giờ

Sau giải phóng, nhờ sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, “buôn Cháy” ngày nào nay đã bừng sức sống. 

Trưởng buôn Y Rang Niê Kđăm vui mừng nói: Nhà nước đưa điện về buôn, nhà nhà dùng nước sạch, đường giao thông được trải nhựa phẳng lì, sạch sẽ. Bà con đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới khang trang, đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc xứng đáng với mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. “Điều đáng mừng nhất là thanh niên trong buôn biết giữ gìn văn hóa, phát triển các mô hình kinh tế, số học sinh học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khoảng 20 cháu. Bà con đã bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu và hình thành nếp sống văn hóa mới”.

“Buôn Cháy” được như bây giờ là nhờ sự quan tâm của Đảng, sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước ngay từ những ngày đầu trở lại buôn. Năm 1990, bộ đội Đăk Lăk cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con dựng cho 66 ngôi nhà sàn gỗ và 33 giếng nước, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất cây trồng cao hơn. 

Huyện, xã tổ chức nhiều chương trình khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp đồng bào từng bước áp dụng công nghệ vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, điều, hồ tiêu... Vì vậy, đời sống người dân từng bước được cải thiện.Toàn buôn hiện có 265 hộ, với 1.057 nhân khẩu, trong đó hơn 95% là đồng bào dân tộc Ê đê. Cả buôn hiện còn 16 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết:  Địa phương định hướng xây dựng buôn Ea M’droh trở thành buôn du lịch cộng đồng, nhằm tạo điều kiện cho người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu về vùng đất, con người ở vùng đất cách mạng này. Hiện, buôn đang xây dựng nhà tưởng niệm căn cứ cách mạng, sắp tới sẽ xây dựng lại bến nước truyền thống của đồng bào Ê đê và bảo tồn 58 căn nhà dài mà bộ đội làm cho dân...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.