Một số nhiệm vụ chưa được thể chế hóa
Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, định hướng những giải pháp lớn về chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 – 2030. Với 8 nhóm nhiệm vụ, Nghị quyết số 88/2019/QH14 là bước cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình MTQG giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 (Chương trình MTQG 1719) chỉ mới là một trong 8 nhóm nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết số 88/2019/QH14. Trong đó, với việc triển khai Chương trình MTQG 1719, thì Nghị quyết số 120/2020/QH14 cũng chỉ mới đi được nửa chặng đường. Sau khi kết thúc giai đoạn 1 (2021-2025), căn cứ kết quả thực hiện, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định kế hoạch, nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2 (2026-2030).
Cùng với phê duyệt Chương trình MTQG 1719, Chính phủ đã xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020. Đây là một trong 8 nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH, là cơ sở để phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực III, khu vực I (tại Quyết định số 861/QĐ-TTg) và thôn đặc biệt khó khăn (tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT) thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
Một nhiệm vụ cũng được Chính phủ, các bộ ngành liên quan rốt ráo triển khai, là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.
Ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG 1719, với những quy định đáp ứng cơ bản yêu cầu được đặt ra tại Nghị quyết số 88/2019/QH.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 88/2019/QH chưa được thể chế hóa; trong đó đáng chú ý là nhiệm vụ Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người DTTS theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; đồng thời vẫn chưa có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn.
Đi lên cùng đất nước
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trên lộ trình đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi cần được tăng cường nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để “không bị bỏ lại phía sau”.
Để đẩy mạnh phát triển bền vững toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi cùng với sự nghiệp phát triển chung của đất nước, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS.
Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển KT - XH, thực hiện giảm nghèo đa chiều bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, Người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS…”.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù chăm lo giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Triển khai các chương trình dự án phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”.
Quán triệt chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII, trong Kết luận số 65-Kl/TW, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2019/QH, Chính phủ đã ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 10/NQ-CP, ngày 28/1/2022.
Chính phủ đặt mục tiêu phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, và những bước tiến mới trong lĩnh vực công tác dân tộc, tin rằng, vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ phát triển nhanh và bền vững, đồng hành cùng đất nước để đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045.