Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS và miền núi: Hiệu quả từ những chủ trương chính sách đúng (Bài 1)

Thúy Hồng - 06:48, 24/11/2023

Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã triển khai trong nhiều năm qua đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi đổi trên tất cả các lĩnh vực lĩnh vực. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số được khởi sắc.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết với bà con xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk năm 2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết với bà con xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk năm 2018.

Nhất quán chủ trương

Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta đều chỉ rõ: Vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.

Việc xác định vị trí chiến lược lâu dài của công tác dân tộc chính là xuất phát từ đặc điểm của cộng đồng dân tộc ở nước ta. Hầu hết đồng bào các DTTS sống tại miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tập trung ở 463 huyện thuộc 51 tỉnh tại Đông và Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn về đường, điện, trường trạm…

Xuất phát từ đăc điểm cộng đồng các DTTS ở nước ta, quan điểm chỉ đạo của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc, là dành những điều kiện ưu đãi cho các DTTS để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ, từ đó hỗ trợ họ thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.

Từ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào DTTS ngày càng được khởi sắc, bản sắc văn hóa được bảo tồn, gìn giữ
Từ chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào DTTS ngày càng được khởi sắc, bản sắc văn hóa được bảo tồn, gìn giữ

Từ chủ trương đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng tập trung các dân tộc ít người, trong đó tiêu biểu như các Chương trình hành động 122 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 (Khoá IX) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc ít người (Quyết định 134)…

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc. Trong báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII đã khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển… Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS”.

Với chủ trương nhất quán đó, qua 35 năm đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển chung của cả nước, diện mạo vùng DTTS nước ta đã có những thay đổi sâu sắc, toàn diện trên tất cả các phương diện. Hiện nay, khoảng 98,6% số thôn thuộc các xã vùng DTTS được tiếp cận sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông đạt 95,2%; các xã có trạm y tế chiếm 99,5%.

Cả nước đã có 26.500 điểm trường vùng DTTS với 91% trường học kiên cố; có 49 tỉnh, thành đã thành lập được 316 trường trung học phổ thông nội trú, với quy mô trên 102.000 học sinh; 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh. Trong số này có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia...

Đáng chú ý, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách đào tạo và bồi dưỡng, sự nỗ lực của các cá nhân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ngày càng được nâng cao chất lượng, tỷ lệ người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị ngày càng cao. Trong các nhiệm kỳ gần đây, nhiều cán bộ người DTTS được giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước như các cương vị Tổng Bí thư, Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng và tương đương... Đại hội XIII của Đảng có 175 đại biểu là người DTTS, điều đó thể hiện chủ trương nhất quán về công tác cán bộ người DTTS của Đảng và Nhà nước ta.

Đầu tư hát triển toàn diện vùng DTTS

Đảng và Nhà nước ta luôn ưu tiên đầu tư toàn diện đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhằm thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc. Chủ trương nhất quán này tiếp tục được khẳng định, khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. 

Năm 2019 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp thực hiện thắng lợi về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhanh, bền vững.

Theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, mục tiêu đề án là đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm giảm trên 3%. Đến năm 2030, thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới...

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm bình quân 3-4%/năm
Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm bình quân 3-4%/năm

Đặc biệt, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). 

Dự kiến tổng mức vốn để thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 137.664,959 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 104.954,011 tỷ đồng; bao gồm: Vốn đầu tư: 50.000 tỷ đồng (đã được bố trí theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025); Vốn sự nghiệp: 54.324,848 tỷ đồng.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng. Tính đến ngày 30/6/2023, cả nước có 73,65% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2022 giảm 1,17%, vùng DTTS và miền núi giảm 3,4% đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội giao; tín dụng chính sách xã hội có vai trò quan trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Đánh giá về kết quả giám sát của Quốc hội triển khai 3 Chương trình MTQG  trong đó có Chương trình MTQG 1719, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành của Quốc hội và sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của các Chương trình MTQG bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phạm vi, nguyên tắc Nghị quyết của Quốc hội, xác định cả 3 Chương trình MTQG đều đạt được nhiều kết quả bước đầu rất quan trọng; hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được cải thiện.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đến tận thôn, xóm.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đến tận thôn, xóm.

Có thể thấy từ chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng, sự quan tâm đầu tư của Chính phủ bằng các chủ trương, chính sách, cụ thể đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Tạo động lực để đồng bào tự lực vươn lên, xây dựng vùng DTTS và miền núi phát triển và hội nhập.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.