Nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS
An Giang là tỉnh có đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 1,91 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59% và dân tộc Hoa chiếm 0,27%...
Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tập trung nhiều nhất ở vùng Bảy Núi thuộc huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên, với trên 80.000 người, số còn lại sống ở huyện Châu Thành, Thoại Sơn và Châu Phú. Trong kháng chiến, vùng Bảy Núi là căn cứ địa cách mạng, bị nhiều tàn phá do chiến tranh, nên đời sống một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer còn gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2022 và năm 2023, nguồn vốn được phân bổ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại An Giang là gần 176,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư là gần 87 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 89,6 tỷ đồng được phân bổ cho các địa phương hưởng thụ Chương trình. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của Chương trình MTQG 1719, trong 2 năm qua, tỉnh An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo, các bộ phận giúp việc; giao đơn vị chủ trì quản lý Chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình, kế hoạch thực hiện trong từng nội dung; cơ chế, chính sách, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm…
Điển hình như ở phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên, nhờ các chương trình, dự án, cơ sở vật chất ngày càng đổi mới. Điện, đường, trường, trạm phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được quan tâm chăm lo tốt hơn.
Ông Chau Kim Sơn, một trong những hộ dân ở Thới Thuận, phường Thới Sơn được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế cho biết: Nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, gia đình đã mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Mong rằng thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm để nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình, chung tay xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
Đến thăm mô hình nuôi bò của ông Chau Nưng ở ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn chúng tôi bất ngờ vì cách chăn nuôi bài bản, sạch sẽ và đàn bò phát triển rất tốt. Theo chia sẻ của ông Chau Nưng, cách đây vài năm, gia đình ông được vay 8 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn này, gia đình đầu tư nuôi bò sinh sản, đến nay đã có đàn bò 6 con, không những là tài sản có giá trị mà còn cung cấp cho gia đình ông nguồn phân bón để cải tạo 3 công đất trồng các loại rau màu, mỗi năm cũng thu nhập trên 50 triệu đồng.
Khôi phục làng nghề truyền thống và bảo tồn bản sắc văn hóa
Ở An Giang, hai địa phương miền núi Tri Tôn và TX. Tịnh Biên là nơi người dân trồng nhiều cây thốt nốt và có làng nghề nấu đường thốt nốt truyền thống nổi tiếng. Ngoài các làng nghề nấu đường thốt nốt truyền thống lâu đời tại xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn hoặc các cơ sở đường thốt nốt ở xã An Phú, Tịnh Biên thì rải rác một số nơi, địa phương cũng chú trọng, quan tâm để người dân có thể vay vốn phát huy nghề truyền thống.
Đến thăm nhà chị Neng Kha Ly ở ấp Tô An, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn chúng tôi cảm nhận sự tất bật của chị. Theo chia sẻ của chị Kha Ly, hiện tại gia đình làm ăn khá hiệu quả nhờ được hỗ trợ dụng cụ để khôi phục nghề truyền thống nấu đường thốt nốt. Chị Kha Ly cho biết: Lúc trước, cuộc sống rất bấp bênh, không có vốn nên công việc nấu đường gặp khó khăn. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn mua nồi, dụng cụ nấu nên giờ mở rộng quy mô. Ngoài gần chục cây thốt nốt nhà, gia đình còn thuê thêm 30 cây thốt nốt của bà con trong sóc để lấy nước nấu đường mỗi ngày. Đến nay, cuộc sống của gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định.
Ngoài làng nghề truyền thống, tại thị xã Tịnh Biên và huyện miền núi Tri Tôn, các ngành chức năng còn tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Chăm, Khmer; khơi dậy niềm tự hào và giáo dục giới trẻ ý thức trách nhiệm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc mình.
Trụ trì chùa Tà Ngáo, sãi Chau Khi chia sẻ sự phấn khởi, xúc động trước việc chính quyền các cấp đã rất quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Khmer bảo tồn, phát huy dòng nhạc dân tộc thông qua những lời hát, điệu múa uyển chuyển, những vở tuồng Dù kê ẩn chứa bao tự tình và các nghi thức cúng tế dịp lễ, tết, trong những bộ trang phục truyền thống vô cùng rực rỡ.
Hiện nay, những giá trị di sản văn hóa truyền thống vẫn đang hiện diện trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh An Giang. Mỗi di sản văn hóa đều mang sắc thái riêng của mỗi dân tộc, thể hiện rõ nhu cầu và bản sắc đặc trưng riêng. Trong thời gian tới, An Giang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, bảo tồn và phát huy di sản ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Chăm, Khmer. Tìm hiểu, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn - diễn xướng dân gian cộng đồng các dân tộc; tìm hiểu tri thức dân gian tiêu biểu của một số DTTS trên địa bàn tỉnh (về luật tục, nghi lễ vòng đời, võ thuật, trị bệnh cứu người bằng những bài thuốc Nam, những làng nghề thủ công tiêu biểu, phong tục tập quán các dân tộc…)
Tỉnh An Giang xác định đầu tư cho văn hóa các DTTS là đầu tư phát triển nền tảng tinh thần, tạo sức mạnh nội sinh để các DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc, hướng tới phát triển bền vững.