Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bước phát triển mới của đồng bào La Ha ở Sơn La

Minh Thu - 16:54, 26/11/2021

Thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, đồng bào dân tộc La Ha trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) được tạo điều kiện phát triển sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa; góp phần vào sự phát triển KT-XH tại địa phương.


Đồng bào La Ha thu hoạch lúa
Đồng bào La Ha thu hoạch lúa

Nhiều chuyển biến tích cực

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quỳnh Nhai cho biết: Thực hiện quyết định số 2086/QĐ-TTg, việc khôi phục nghề truyền thống của đồng bào La Ha, huyện Quỳnh Nhai chủ trương hướng tới “mục tiêu kép”, vừa giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, vừa góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, từ đó tạo việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào. 

Từ năm 2020 đến nay, Phòng Văn hóa Thông tin huyện đã phối hợp với các xã tổ chức 4 lớp truyền dạy nghề đan lát cho học viên là đồng bào La Ha tại các xã Mường Giàng, Mường Sại và Nặm Ét. Đến nay, các học viên đều đã thành thạo nghề đan lát, một số sản phẩm mang đi giới thiệu, quảng bá đã được bán, mang lại thu nhập bước đầu, tạo động lực cho đồng bào La Ha trong khôi phục nghề truyền thống.

Cuối năm 2020, cùng với 21 học viên là đồng bào La Ha ở bản Tốm, xã Nặm Ét, chị Lò Thị Bun được chọn tham gia lớp dạy nghề đan lát truyền thống của đồng bào La Ha. “Chúng tôi đã được các nghệ nhân truyền dạy các kỹ thuật cơ bản trong cách đan lát các sản phẩm thiết yếu, dùng trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Những sản phẩm truyền thống như gùi, hom, giỏ chính là bản sắc văn hóa mà chúng tôi trao gửi vào đó”, chị Bun kể .

Tại xã Mường Sại, cũng trong năm 2020, hộ ông Lò Văn Inh ở bản Ten Che đã được hỗ trợ 1 con bò từ nguồn vốn thuộc Quyết định 2086. Ngoài việc được nhận bò, gia đình ông Inh còn được tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật tiêm phòng và tiêm vắc xin phòng trừ bệnh. Nhờ đó, con bò của gia đình ông phát triển khỏe mạnh, sinh được 2 con bê con. 

Có được kỹ thuật chăn nuôi, ông Inh mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách, mua thêm 1 con bò để mở rộng sản xuất. “Với sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi sẽ cố gắng để phát triển kinh tế từ chăn nuôi gia súc, tìm hướng thoát nghèo”, ông Inh cho biết.

Ông Lò Văn Inh chăm sóc đàn gia súc được hỗ trợ
Ông Lò Văn Inh chăm sóc đàn gia súc được hỗ trợ

Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả

Thực hiện Quyết định 2086, huyện Quỳnh Nhai có 455 hộ đồng bào La Ha được hưởng chính sách; trong đó số hộ được thực hiện hỗ trợ giai đoạn năm 2019 - 2020 là 379 hộ đang sinh sống tại 5 bản thuộc 3 xã Nặm Ét, Mường Sại và Mường Giàng.

Thời gian qua, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện triển khai lập hồ sơ hỗ trợ 3 hợp phần dự án, gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, Hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực sản xuất và Hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.

Qua triển khai Quyết định 2086 cho thấy, các nội dung của chính sách hỗ trợ phù hợp với tâm tư nguyện vọng, tập quán canh tác; tạo cơ hội bước đầu cho đồng bào La Ha phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đời sống cũng đang từng bước được cải thiện. Đồng bào phấn khởi đón nhận, từng bước triển khai hiệu quả các nội dung được hỗ trợ; bày tỏ đồng tình, tin tưởng vào các chính sách của Đảng, Nhà nước và mong muốn tiếp tục được hưởng các nội dung khác của chính sách trong những năm tiếp theo.

“Giai đoạn tới, chính sách đối với đồng bào La Ha được lồng vào Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, vì vậy, huyện sẽ rà soát lại toàn bộ từ cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất; những phong tục, tập quán, văn hóa đã bị mai một để khôi phục và có các giải pháp hỗ trợ phát triển đời sống đồng bào La Ha hiệu quả hơn”, ông Hoàng Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.