Chính sách hỗ trợ đặc thù
Đồng bào Pà Thẻn ở tỉnh Tuyên Quang có 267 hộ, sinh sống tập trung tại các xã đặc biệt khó khăn như Hồng Quang (huyện Lâm Bình), Linh Phú (huyện Chiêm Hóa), Kiến Thiết và Trung Sơn (huyện Yên Sơn). Những năm qua, từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thông qua chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở Tuyên Quang. Đặc biệt là “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ, đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, nhất là việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và bảo tồn văn hóa đặc trưng dân tộc. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người Pà Thẻn giờ đây đã có nhiều đổi thay…
Cuối năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo Quyết định 2086, UBND xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình đã mở 3 lớp nghề cho đồng bào Pà Thẻn tại thôn Thượng Minh, gồm lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, lớp đan lát và lớp thầy cúng trong nghi lễ nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn. Tham gia 3 lớp học có gần 40 học viên.
Là một trong những người được mời đứng lớp, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con Pà Thẻn ở địa phương, bà Húng Thị Tráng, bày tỏ: Được mời tham gia truyền dạy nghề dệt, tôi thấy vui, vì nhiều bạn trẻ người Pà Thẻn giờ đã quan tâm tìm hiểu và thích học nghề truyền thống dân tộc. Đến nay, nhiều người đã thành thạo nghề dệt, có thể làm được sản phẩm hoàn chỉnh để bán ra thị trường.
Là học viên tham gia lớp học ngay từ những ngày đầu, chị Làn Thị Sân, được các nghệ nhân truyền đạt những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về nghề đan lát và dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn xưa. "Được các nghệ nhân truyền dạy tận tình nên chị và chị em trong thôn đã tự tay tạo được nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng, bán được cho khách du lịch khi đến thôn", chị Sân chia sẻ.
Trao đổi về cuộc sống của đồng bào Pà Thẻn, ông Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cũng nhấn mạnh, nguồn kinh phí thực hiện theo Quyết định 2086 với sự quan tâm đầu tư hỗ trợ mang tính đặc thù, đã tạo thêm điều kiện để địa phương mở được lớp dạy nghề, khơi dậy ý thức giữ gìn, khôi phục nghề truyền thống gắn liền với đời sống bản sắc văn hóa của bà con như dệt thổ cẩm, đan lát, khôi phục lễ hội nhảy lửa... tạo ra sản phẩm du lịch phong phú thu hút khách du lịch đến với địa phương.
Bên cạnh đó, đồng bào Pà Thẻn thôn Thượng Minh còn được hỗ trợ sản xuất, với mức áp dụng hộ nghèo 15 triệu đồng/năm, hộ cận nghèo không quá 12 triệu đồng/năm và các hộ còn lại là không quá 10 triệu đồng/năm, đồng thời được tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đồng bào dân tộc Pà Thẻn đã mạnh dạn phát triển các mô hình sản xuất mới như, nuôi trâu bò sinh sản, nuôi dê, nuôi cá chép...
Điển hình như gia đình anh Phù Đức Minh, trước đây, gia đình anh chỉ biết trồng cây lúa, nuôi con gà, cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường. Sau khi gia đình anh được hỗ trợ giống cây măng tre bát độ, anh Minh mở rộng diện tích trồng tre từ 0,5ha ban đầu lên gần 3ha, đã cho thu nhập mấy năm nay với số tiền từ 30-40 triệu đồng/vụ. Có thu nhập từ tre bát độ, anh đủ tự tin để vay thêm vốn nuôi thêm trâu sinh sản. Hiện gia đình anh Minh có thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn theo Quyết định 2086, đời sống của đồng bào Pà Thẻn ở Hồng Quang có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm dần theo từng năm. Đặc biệt, thôn Thượng Minh, có 127 hộ đồng bào Pà Thẻn đến nay không còn hộ nghèo.
Khai thác hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
Đến thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, chúng tôi được nghe đồng bào Pà Thẻn kể nhiều về chuyện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Như trường hợp của ông Tái Văn Các, năm 2018, ông được tham gia lớp đào tạo kiến thức về trồng cây lâm nghiệp, ông đã áp dụng vào trồng và chăm sóc rừng cây mỡ, cây keo của gia đình. Hiện nay, rừng cây được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã phát triển tốt.
Hay như gia đình anh Tái Văn Cát, thôn Khuổi Hóp, những năm trước đây, vườn chè của gia đình chỉ là khu đất bỏ hoang, cây dại nhiều hơn cây chè. Chè thu hoạch được chỉ phục vụ cho nhu cầu hàng ngày. Đến năm 2018, từ nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc Quyết định 2086, vườn chè của gia đình được hồi sinh.
Được hướng dẫn về giống chè mới, vợ chồng anh Cát, đã canh tác hơn 5.000m2 chè. Đến nay, gia đình thu hoạch mỗi tháng 2 lứa chè. Thấy lợi nhuận từ cây chè mang lại có tính ổn định, bền vững, anh Cát đã vận động anh em trong dòng họ và người dân trong thôn mở rộng diện tích trồng chè. Hiện mức thu nhập từ cây chè của 41 hộ gia đình dân tộc Pà Thẻn tại thôn Khuổi Hóp đạt khoảng 1,8 triệu đồng/người/vụ.
Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, nâng cao kiến thức, UBND xã Linh Phú tập trung bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân tộc Pà Thẻn. UBND xã đã triển khai hỗ trợ khôi phục Lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn, hỗ trợ mỗi hộ gia đình 1 bộ quần áo truyền thống trị giá gần 3 triệu đồng.
Chị Tái Thị Vững, ở Khuổi Hóp cho biết: Khi cuộc sống đã ổn định, chị em dân tộc Pà Thẻn được vận động, tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi nhằm bảo vệ và phát triển các dân tộc ít người. Ngoài ra, chị em còn được tiếp cận với các chính sách về kế hoạch hóa gia đình, từ đó có thêm kiến thức, hiểu biết và tự tin hơn trong công việc và cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc thực hiện Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ, đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, giúp đồng bào dân tộc Pà Thẻn thay đổi nhận thức, chủ động vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ những hủ tục, nâng cao chất lượng dân số, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi Tuyên Quang.