Đề án thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” được tiến hành thí điểm tại 35 xã và 01 phường thuộc TP. Lào Cai. Sau khi đánh giá, rút kinh nghiệm qua 01 năm thí điểm, năm 2013, Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục chọn 40 xã thuộc diện khó khăn nhất (vùng cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự...) để triển khai. Đến năm 2016, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh triển khai Đề án này. Sau 10 năm đi vào hoạt động, Ban tuyên vận xã, Tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Những chuyển biến tích cực từ thôn bản
Trước đây, cuộc sống người dân thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng chủ yếu phụ thuộc vào trồng cây ngô, cây lúa; dù vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Để nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân Chi bộ thôn Nậm Dù tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa những giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp có giá trị vào nuôi trồng.
Bà Đỗ Thị Hòa, Trưởng thôn, Tổ phó Tổ tuyên vận thôn cho biết: Mục tiêu là như vậy, nhưng những ngày đầu việc vận động bà con thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi gặp vô vàn khó khăn, bởi nếp nghĩ cách làm của bà con lâu nay đã quen với cây ngô, cây lúa; nhiều người băn khoăn liệu đưa cây trồng mới vào có hiệu quả…
“Tổ tuyên vận thôn chúng tôi có 03 thành viên gồm đồng chí Bí thư Chi bộ làm tổ trưởng, Trưởng thôn làm tổ phó và Trưởng Ban công tác Mặt trận làm tổ viên không kể ngày đêm đi đến từng nhà vận động. Cùng với đó, chúng tôi chủ trương các thành viên trong Tổ tuyên vận, đảng viên trong chi bộ tiên phong làm trước để bà con làm theo”, bà Hòa nhớ lại.
“Mưa dầm thấm lâu”, những cố gắng của Tổ tuyên vận thôn Nậm Dù cũng cho kết quả, bà con nhân dân trong thôn cũng dần hiểu ra và đồng thuận trong việc hưởng ứng chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập.
Hiện nay, thôn Nậm Dù có 153 hộ thì có trên 50% số hộ trồng cây ăn quả, trồng quế, chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại… Thu nhập bình quân đầu người đạt 85 triệu đồng/người/năm; cả thôn chỉ còn 10 hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Trước đây, với diện tích đất của sản xuất của gia đình, bà Trần Thị Tin, thôn Nậm Dù chủ yêu trồng mía, tuy vất vả nhưng thu nhập thấp không đủ trang chải cuộc sống gia đình. Cách đây 04 năm bà Tin mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng cây ăn quả; trong đó, chủ yếu là cây na.
“Gia đình được cán bộ Tổ tuyên vận thôn về vận động, hướng dẫn chuyển đổi trồng cây ăn quả để có thu nhập. Thấy một số gia đình đã làm và cho hiệu quả nên tôi cũng chuyển sang trồng; hiện nay với 200 gốc na mỗi vụ gia đình cũng thu về trên 40 triệu tiền bán quả. Hơn nữa, trồng cây na, cây nhãn nhàn hơn trồng mía rất nhiều mà thu nhập cao hơn 3-4 lần”, bà Tin chia sẻ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến thời điểm này đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của người dân, bởi những thay đổi tích cực mà chương trình mang lại; đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn được mở rộng, bê tông hóa đã góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, đi lại thuận tiện cho bà con Nhân dân vùng sâu vùng xa… Tuy vậy, những ngày đầu việc làm đường giao thông nông thôn cũng gặp những khó khăn không nhỏ.
Sự ra đời của Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận đã mang lại hiệu quả nổi bật ở cơ sở. Mô hình hoạt động nhưng không tăng biên chế, không gây xáo trộn về tổ chức, bộ máy, được vận hành hoạt động thống nhất trên cơ sở sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hợp lý, mô hình tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động tuyên truyền, vận động bảo đảm sự thống nhất, có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt trên cơ sở mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện đầy đủ chức năng, không bị trùng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của tổ chức mình trong tuyên truyền, vận động đến với người dân nhằm góp phần đổi mới nội dung hoạt động của công tác tư tưởng chính trị, công tác vận động quần chúng tại cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Dương Đức HuyTrưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai
Anh Đỗ Xuân Hải, Trưởng thôn Nậm Cút, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng cho biết: Tuyến đường giao thông thôn Nậm Cút dài 3,2km; trước đây, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới đường được mở rộng 3m đổ bê tông. Tuy nhiên, năm 2021 xã Xuân Quang đạt nông thôn mới nâng cao, nên các tiêu chí cũng được xây dựng nâng cao lên; trong đó, đường giao thông được mở rộng từ 3m lên 7m đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa.
“Những ngày đầu đi vận động bà con, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết ai cũng nghĩ có đường là tốt rồi cần gì mở rộng thêm chứ chưa nghĩ tới lợi ích lâu dài về sau này. Tổ tuyên vận thôn đã phân công từng đồng chí cùng với các đảng viên trong chi bộ đến từng nhà để phân tích cho bà con hiểu. Khi người dân đã đồng thuận, lại thấy nhiều cán bộ trong thôn tiên phong hiến đất mở rộng đường thì bà con đều nhất trí hiến đất vườn, rừng để làm đường. Có nhiều hộ dân hiến hàng trăm mét vuông đất mở đường như gia đình ông Nguyễn Xuân Kế hiến gần 1 nghìn mét vuông đất rừng…”, anh Hải cho biết thêm.
Chỉ ít thời gian nữa thôi, tuyến đường thôn Nậm Cút hoàn thành rộng gấp đôi đường cũ sẽ phục vụ đắc lực cho việc giao thương vận chuyển hàng hóa; các xe tải lớn sẽ vào từng nhà để vận chuyển lâm sản, bởi Nậm Cút là thôn có diện tích rừng sản xuất lớn nhất xã Xuân Quang.
Góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu kinh tế-xã hội
Xã Xuân Quang có trên 3300 hộ với hơn 13 nghìn khẩu; toàn xã có 11 dân tộc; đây là xã có dân số đông nhất huyện Bảo Thắng. Năm 2021, Xuân Quang về đích nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 7,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất đạt 114 triệu/ ha… đây là thành quả cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã.
Bí thư đảng ủy Bàn Văn Dũng cho biết: Để có được kết quả này bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì vai trò của Ban tuyên vận và các Tổ tuyên vận có vai trò hết sức quan trọng.
Hiện nay, Ban tuyên vận xã Xuân Quang có 10 thành viên do đồng chí Bí thư đảng ủy xã làm Trưởng ban, hàng tháng Ban tuyên vận đều tổ chức giao ban định kỳ với các tổ tuyên vận ở 19 thôn. Nội dung các buổi giao ban là thông tin đến các thành viên tình hình thời sự quốc tế, trong nước; tình hình kinh tế-xã hội địa phương; thông tin các Chỉ thị, Nghị quyết, tuyên truyền vận động Nhân dân phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng do ban tuyên giáo tỉnh, huyện cung cấp… Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền vận động trong tháng cũng như nhiệm vụ tháng tiếp theo.
Thời gian qua, Ban tuyên vận và các Tổ tuyên vận tập trung tuyên truyền vận động Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Phối hợp với thôn tổ chức rà soát, hướng dẫn bà con triển khai các phần việc mà Nhân dân phải làm như chỉnh trang nhà ở, vệ sinh môi trường nông thôn, trồng hoa, đường điện dọc các tuyến đường giao thông…Từ đó, bộ mặt các thôn đã có sự thay đổi tích cực, các tiêu chí nông thôn mới được duy trì 19/19 tiêu chí, duy trì 18/19 thôn kiểu mẫu…
“Thực hiện phong trào “Đường rộng sáng điện nhiều hoa, Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”, Ban tuyên vận xã chỉ đạo các Tổ tuyên vận phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân các thôn tổ chức trồng tuyến đường hoa trên tất cả các tuyến đường giao thông, cơ quan công sở, trường học… Đến nay, toàn xã Xuân Quang đã có gần 48km đường được trồng hoa, gần 64 km đường giao thông lắp điện thắp sáng”, ông Dũng thông tin thêm.
Có thể nói, Ban tuyên vận và Tổ tuyên vận thôn bản đã có sự chỉ đạo đồng nhất trong công tác tuyên truyền vận động, không có sự chồng chéo. Công tác tuyên truyền đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và sự chỉ đạo của cấp trên, được thực hiện một cách hệ thống, đồng bộ và chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các Ban tuyên vận, Tổ tuyên vận cũng còn những tồn tại nhất định; đòi hỏi cần có những giải pháp, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động trong giai đoạn mới.