Trên đường đến với bản Là Si (bản của người La Hủ) ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, Thiếu tá Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm chia sẻ, Đồn Biên phòng Thu Lũm có nhiệm vụ quản lý gần 36,245 km đường biên giới, 15 cột mốc. Đây là khu vực định cư chủ yếu của đồng bào các dân tộc La Hủ, Hà Nhì, Dao; trình độ dân trí của đồng bào vẫn còn có những hạn chế nhất định; một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của người dân. Vì vậy, một trong những hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp đối với đồng bào ở vùng cao biên giới là tuyên truyền miệng.
Để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, mỗi cán bộ, chiến sĩ biên phòng luôn nghiên cứu kỹ và tìm ra những phương án tối ưu nhất. Nếu tuyên truyền cho đồng bào Hà Nhì, thì phải dùng tiếng Hà Nhì, tuyên truyền tại bản của người La Hủ, thì phải dùng tiếng La Hủ và đưa ra những ví dụ minh họa cụ thể gắn với đời sống thường ngày của bà con... để bà con dễ hình dung.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các DTTS đạt hiệu quả cao, bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu đã sáng tạo ra nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau như: triển khai mô hình “Tiếng loa biên phòng” tại 117 tổ tuyên truyền lưu động của BĐBP tỉnh; Tuyên truyền vào dịp lễ hội với các hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ; phát tờ rơi, tờ gấp; Tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tập trung tại thôn, bản với 8.731 buổi/481.596 lượt người nghe.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến các: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; các văn kiện pháp lý trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khu vực biên giới không di, dịch cư tự do; không tuyên truyền đạo trái pháp luật.
Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn phối hợp cán bộ làm công tác dân tộc, Người có uy tín, Trưởng thôn tuyên truyền về bài trừ các hủ tục lạc hậu, phòng chống, giảm thiểutảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS...
Thời gian qua, BĐBP Lai Châu còn phối hợp với các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới với 608 tin, bài, phóng sự đã đăng tải, phát sóng; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 240 chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới”; 84 chuyên đề phổ biến pháp luật; Xây dựng 22 tủ sách pháp luật tại 22 xã biên giới và 13 tủ sách pháp luật tại 13 Đồn Biên phòng. Tủ sách pháp luật được coi là “bách khoa toàn thư” với đồng bào nơi biên giới với đầy đủ các loại sách, báo tạp chí...; đảm bảo cung cấp đầy đủ các kiến thức về mọi lĩnh vực của cuộc sống để đồng bào tiếp cận, nâng cao nhận thức.
Ông Pờ Go Tư, Bí thư Chi bộ bản Mé Gióng, xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) chia sẻ: “Nhờ được đọc những cuốn sách tại Nhà văn hóa xã và Đồn biên phòng, được cán bộ chỉ bảo, hướng dẫn mà bà con trong bản có thêm kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ rừng, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, bản văn hóa...
Từ năm 2006 đến nay, bản Mé Gióng không có hộ sinh con thứ ba, nhiều hủ tục lạc hậu được đẩy lùi. Bản không còn xảy ra nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Người dân trong bản đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, với đám tang chỉ để hai ngày trong nhà, tục thách cưới không còn xảy ra; nhiều gia đình tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo; bản sắc văn hóa của người Hà Nhì được quan tâm gìn giữ thông qua các dịp lễ, tết, hội”.
Từ việc đẩy mạnh các hình thức biện pháp tuyên truyền nên đến nay, trên địa bàn biên giới Lai Châu có 3/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao... Từ đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.