Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Bước đột phá trong lĩnh vực công tác dân tộc: Thể chế hóa chủ trương phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi (Bài cuối)

Tùng Nguyên - 14:00, 03/11/2022

Giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề cấp bách ở địa bàn này. Ngoài quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thì việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc (CTDT) để định hướng tổ chức thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) là cấp thiết.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. (Trong ảnh: Một góc xóm Cha Long, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)
Vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. (Trong ảnh: Một góc xóm Cha Long, xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Xác định rõ tính cấp bách để dồn lực đầu tư

Phải khẳng định, từ khi có Nghị định 05/NĐ-CP, lĩnh vực CTDT được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt; một hệ thống CSDT đã được ban hành, với mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tính đến hết năm 2020, có 118 chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở địa bàn này; trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các DTTS.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/NĐ-CP đang được Ủy ban Dân tộc lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo sửa đổi, bổ sung 09 điều, bổ sung mới 01 điều, sửa đổi, bổ sung một số nội dung, cụm từ tại các điều khoản khác của Nghị định.

Tuy nhiên, do các quy định trong Nghị định số 05/NĐ-CP còn chung chung, chưa quy định cơ chế tài chính nên dẫn tới thực trạng một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách. Các Bộ, ngành, địa phương chủ yếu dựa vào các quy định của Luật chuyên ngành để triển khai thực hiện từng nhóm chính sách cụ thể (nhất là đối với những lĩnh vực có luật điều chỉnh)....

Do vậy, chính sách ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc cũng như kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ngoài Chương trình 135 được bố trí đủ nguồn lực thì hầu hết các CSDT trong hơn 10 năm qua đều bố trí chưa đến 50% tổng nguồn lực thực hiện.

Tại Khoản 2, Điều 2, Nghị định số 05/NĐ-CP nêu: “Đảm bảo và thực hiện chính sách phát triển toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS”. Nếu chỉ quy định như vậy thì việc thực hiện CSDT sẽ “không đến đầu đến đũa”. Do đó, phải quy định rõ, các bộ ngành, địa phương phải bảo đảm bảo nguồn lực để thực hiện CSDT, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, quan trọng và quyết định.

Do thiếu vốn nên nhiều công trình hạ tầng ở miền núi dở dang, gây lãng phí. (Trong ảnh: Dự án “Di dân khẩn cấp ra vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và Liên Hợp” huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chậm tiến độ do thiếu vốn
Do thiếu vốn nên nhiều công trình hạ tầng ở miền núi dở dang, gây lãng phí. (Trong ảnh: Dự án “Di dân khẩn cấp ra vùng thiên tai sạt lở đất xã Châu Tiến và Liên Hợp” huyện Quỳ Hợp, Nghệ An chậm tiến độ do thiếu vốn)

Một thực tế là, dù có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ nhưng hiện vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn tồn tại “5 nhất” (tỷ lệ nghèo cao nhất, tiếp cận dịch vụ xã hội thấp nhất, điều kiện khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, điều kiện kinh tế - xã hội thấp nhất). Sinh kế của người dân chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp; trong khi số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kỹ năng lao động, thiếu việc làm... vẫn là những vấn đề cấp bách cần giải quyết triệt để để tính giải bài toàn phát triển bền vững cho vùng.

Tại Hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/NĐ-CP do Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 12/9/2022, Ts. Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người DTTS - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho rằng, trong phần mở đầu của dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/NĐ-CP cần thêm từ “Cấp bách”. Trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị đã xác định, “CTDT là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”.

Việc xác định các vấn đề cấp bách để tập trung nguồn lực thực hiện CSDT cũng là quan điểm trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Quốc hội yêu cầu phát huy mọi nguồn lực, tập trung giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức thiết ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó nguồn lực nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội yêu cầu các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. (Trong ảnh: Một góc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)
Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội yêu cầu các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. (Trong ảnh: Một góc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)

Hoàn thiện pháp luật về CTDT

Thực tế, hiện hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT chủ yếu được thể chế hóa bằng các văn bản dưới luật, do nhiều cơ quan nhà nước ban hành. Trong đó, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực CTDT tính đến thời điểm này.

Tuy nhiên, sau Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, nhiều văn bản quy phạm pháp luật cao hơn có liên quan đến lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT đã được ban hành. Đó là Hiến pháp năm 2013, là Kết luận số 65-KL/TW, là Nghị quyết số 88/2019/QH14,...

Riêng giai đoạn 2016 - 2020, để thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến CTDT, theo tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, Chính phủ đã ban hành 01 Nghị quyết, 56 Nghị định, 17 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong giai đoạn này, các bộ ngành đã ban hành 125 Thông tư có liên quan đến CTDT.

Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là sự kế thừa, nhưng bổ sung nhiều quan điểm, nguyên tắc và cơ chế, chính sách, phù hợp với thực tiễn phát triển cũng như yêu cầu mới của đất nước nói chung, của vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng. Vì thế, trong Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện, Ủy ban Dân tộc đã đánh giá: “Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử”, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với việc thực hiện CTDT, CSDT trong tình hình mới.

Sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. (Trong ảnh: Một góc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)
Sinh kế của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ yếu vẫn là sản xuất nông, lâm nghiệp. (Trong ảnh: Một góc xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng)

Giai đoạn 2021 - 2030, lĩnh vực CTDT, thực hiện CSDT sẽ tập trung vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc phát phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với nhiều chính sách đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh... Chương trình được kỳ vọng giải quyết các vấn đề cấp bách ở địa bàn này. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, nhiều nội dung chính sách chưa được quy phạm hóa vào Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, vì vậy cũng cần rà soát, bổ sung cho phù hợp để thực hiện ổn định, lâu dài.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn), tại Kết luận số 65-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS. Đồng thời, Nghị quyết số 88/2019/QH14 cũng yêu cầu Chính phủ tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến CSDT; kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp.

Việc sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cần phải được thực hiện ngay; nhưng đây vẫn là văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý thấp nên không đảm bảo cơ chế để triển khai thực hiện các chính sách. Vì vậy, về lâu dài, Chính phủ tổ chức nghiên cứu để đề xuất Quốc hội xây dựng một đạo luật quy định các CSDT vào thời điểm thích hợp; nhằm thể chế hóa đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng, các quy định của Hiến pháp về CTDT và CSDT.

Trong Nghị quyết số 88/2019/QH14, Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS và miền núi. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng với đất nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.