Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Thông tin đối ngoại

Bước đột phá trong lĩnh vực công tác dân tộc: Đầu tư bao trùm (Bài 1)

Tùng Nguyên - 06:46, 01/11/2022

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 là văn bản pháp lý cao nhất về công tác dân tộc. Với việc thực hiện hiệu quả 13 nhóm chính sách trong Nghị định, đã góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc trong tình hình mới, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, với kỳ vọng tạo đột phá cho lĩnh vực công tác dân tộc trong tình hình mới.

Trước khi có Nghị định 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, hệ thống chính sách dân tộc (CSDT) của nước ta, với các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đã cơ bản bao phủ mọi lĩnh vực đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là “lực đẩy” quan trọng góp phần giảm nghèo nhanh ở vùng “lõi nghèo”.

Đến hết năm 2009, Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư được 3.375 công trình đường giao thông ở các xã 135
Đến hết năm 2009, Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư được 3.375 công trình đường giao thông ở các xã 135

Chính sách bao phủ mọi lĩnh vực đời sống

Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng và thực thi CSDT, từ đó góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc ở nước ta, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Trên cơ sở nghị quyết và những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về CSDT, Chính phủ đã cụ thể hóa thành các chính sách riêng biệt.

Hệ thống CSDT ở nước ta vừa bao quát những vấn đề chiến lược lâu dài, vừa giải quyết cả những vấn đề trước mắt, cụ thể. Chính sách đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống của đồng bào DTTS; trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp bách, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Chính phủ cũng đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Tiếp nối những thành tựu của các giai đoạn trước, giai đoạn 2006 – 2010, theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, trên địa bàn các xã 135 có khoảng 20 nhóm chính sách được triển khai thực hiện liên quan đến xoá đói, giảm nghèo, với nội dung phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Giai đoạn 2006 – 2010, Chương trình 135 đã hỗ trợ 119.437 con gia súc cho hộ DTTS nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn
Giai đoạn 2006 – 2010, Chương trình 135 đã hỗ trợ 119.437 con gia súc cho hộ DTTS nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn

Trong đó, 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2006 – 2010, ngân sách Nhà nước đã bố trí 215,89 tỷ đồng để thực hiện; đồng thời hỗ trợ cho 5 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân khoảng 7-8 triệu đồng/lượt/hộ. Cùng với đó là Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, trong năm 2009 – 2010 đã bố trí 3.103 tỷ đồng. Các huyện nghèo đã xây dựng 52.321 hỗ trợ hộ nghèo; giao khoán 66.176 ha rừng cho hộ nghèo khoanh nuôi, bảo vệ…

Đáng chú ý là kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS đời sống khó khăn theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg. Trong 4 năm thực hiện (2004 - 2008), Chính phủ đã bố trí 4.473,9 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ 373.400 nhà ở cho hộ nghèo DTTS, hỗ trợ 1.552 ha đất ở cho 71.713 hộ và 27.763 ha đất sản xuất cho 83.563 hộ. Chính sách này tiếp tục được thực hiện tại Quyết định số 1592/2009/QĐ-TTg, ngày 12/10/2009, với tổng kinh phí 5.828 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư, hỗ trợ là 3.508 tỷ đồng và vốn vay 2.320 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2006 – 2010, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi còn triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào định canh định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg (tổng vốn 2.717 tỷ đồng); vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg (tổng vốn 1.376,8 tỷ đồng); trợ giá, trợ cước (tổng vốn 1.291,5 tỷ đồng); chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg…

 Ngoài ra, còn có các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ đầu tư theo vùng như: Quyết định 120/2003/QĐ-TTg (2003 - 2010) đối với các xã biên giới Việt – Trung; Quyết định 160/2007/QĐ-TTg (2007 - 2010) đối với các xã biên giới Việt - Lào và Việt – Campuchia; các Quyết định 24, 25, 26, 27 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện giai đoạn 2008 - 2010 về một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương khó khăn vùng Trung du miền Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn thiếu và yếu; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn
Cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn thiếu và yếu; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn

Giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững

Trong giai đoạn 2006 – 2010, ngân sách Nhà nước cũng đã ưu tiến bố trí đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, thực hiện Chương trình trung tâm cụm xã, năm 2009 - 2010 tiếp tục hoàn thiện 290 trung tâm cụm xã dở dang và xây dựng mới 35 trung tâm cụm xã ở vùng cao, biên giới, với tổng nhu cầu vốn là 1.368 tỷ đồng.

Giai đoạn 2006 – 2010, cùng với hệ thống CSDT đặc thù thì vùng đồng bào DTTS đồng thời triển khai 10 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm: Giảm nghèo; Việc làm; Phòng, chống tội phạm; Phòng, chống ma túy; Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; Văn hóa; Giáo dục và Đào tạo). Trong 5 năm, Chính phủ đã ưu tiên bố trí hơn 4.214,142 tỷ đồng, chiếm 65,78% tổng kinh phí của 10 chương trình mục tiêu để các xã 135 thực hiện.

Đặc biệt, Chương trình 135 giai đoạn II tiếp tục được thực hiện trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Triển khai trong những năm chịu tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát, thiên tai xảy ra nghiêm trọng, nhưng Chính phủ đã có quyết tâm bố trí vốn cho Chương trình. Mức vốn đầu tư cho xã được tăng dần, từ 860 triệu đồng/xã/năm (năm 2006 – 2007) lên 1,064 tỷ đồng/xã/năm (năm 2008 - 2009) và lên 1,364 tỷ đồng/xã/năm (năm 2010). Trong 5 năm, ngân sách Trung ương đã bố trí 14.025,25 tỷ đồng để các địa phương triển khai Chương trình 135 giai đoạn II.

Kết quả, từ năm 2006 – 2009, cả nước đã triển khai đầu tư xây dựng 12.646 công trình; đến hết năm 2009 đã có 10.242 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó giao thông 2.925 công trình, trường học 2.113 công trình, thủy lợi 1.987 công trình, trạm y tế 436 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng 945 công trình... Đồng thời, Chương trình cũng đã hỗ trợ 1,6 triệu hộ nông dân (trong đó hộ nghèo 1,3 triệu hộ) phát triển sản xuất và xây dựng trên 4.500 mô hình sản xuất, tỷ lệ giải ngân hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất đạt 1.027,89…

Với hệ thống CSDT bao trùm đó, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn 2006 – 2010 đã đạt được những thành tựu to lớn, hộ nghèo giảm nhanh. Theo Báo cáo số 49/BC-CP ngày 6/5/2010 của Chính phủ, đầu năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân này là 47% (chuẩn nghèo đơn chiều chỉ tính theo thu nhập), đến hết năm 2009 giảm xuống còn 31,2%, hết năm 2010 giảm xuống dưới 30%.

Mặc dù tỷ lệ nghèo ở vùng đồng bào DTTS đã giảm nhanh, nhưng theo đánh giá của Chính phủ, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa bàn này vẫn vô cùng gian nan. Đặc biệt, nguy cơ tái nghèo có thể tăng do tác động của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; do đầu tư phát triển kinh tế giữa các vùng chưa đồng đều; thiên tai diễn biến phức tạp…

Trong khi đó, hệ thống CSDT tuy đã cơ bản bao trùm các lĩnh vực đời sống, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một trong những nguyên nhân chính, là do CSDT mới được triển khai qua các chương trình, dự án theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư của các bộ ngành. Điều này đòi hỏi phải có một văn bản quy phạm pháp luật mang tầm Nghị định để thống nhất quản lý, chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS trong tiến trình hội nhập: Nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ (Bài cuối)

Để thúc đẩy quyền của phụ nữ DTTS, cùng với việc nâng cao điều kiện sống hiện tại thì việc nâng cao vai trò kinh tế của phụ nữ, là rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025.