Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bừng sáng một dải biên cương

Khánh Ngân - 17:58, 07/11/2021

Vũ Quang (Hà Tĩnh) là huyện vùng biên đầu tiên trên cả nước về đích nông thôn mới (NTM). Các làng quê như được khoác lên mình một tấm áo mới, đời sống Nhân dân được nâng cao, ít ai nghĩ trước đó, Vũ Quang là một huyện nghèo khó nhất tỉnh Hà Tĩnh.

Trung tâm huyện Vũ Quang (Hà Tình) nhìn từ trên cao. (Ảnh Internet)
Trung tâm huyện Vũ Quang (Hà Tình) nhìn từ trên cao. (Ảnh Internet)

Đi lên từ gian khó

Là huyện “trẻ" vùng biên, Vũ Quang được thành lập năm 2000, trên cơ sở sáp nhập các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa của 3 huyện Hương Sơn, Hương Khê và Đức Thọ. “Ra riêng” trong bối cảnh thiếu thốn đủ bề, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu và xuống cấp. Tỷ lệ đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa chưa đến 20%. Một số tuyến giao thông do thời gian sử dụng lâu, hằng năm chịu tác động của lũ lụt, sạt lở đất, nên bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lưu thông. Kinh tế - xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. 

Bước vào triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Vũ Quang có  những chỉ số khiến người ta phải nghi ngờ về mục tiêu về đích. Bình quân mỗi xã chỉ được 2,1 trong bộ 19 tiêu chí NTM. Là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa của 3 huyện gộp lại, đời sống Nhân dân còn quá nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh (trên 45%).

 Bên cạnh đó, điều kiện về đất đai chủ yếu là đồi núi, trình độ sản xuất và khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thấp. Trong khi đó, NTM đòi hỏi phải có thu nhập bình quân đầu người cao, số lao động qua đào tạo nghề… điều này không thể một sớm một chiều thay đổi để đạt được. Vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng NTM, đặc biệt khi đề ra mục tiêu về đích NTM, nhiều người cho rằng, đó là một mục tiêu viển vông không thể đạt được.

Song, Vũ Quang đã kiên định với mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, sự quyết tâm và đồng lòng của Nhân dân, với phương châm “lấy sức dân để làm lợi cho dân”. Khi đã hiểu rõ quyền lợi được hưởng, người dân đã bảo nhau thực hiện trách nhiệm trong việc đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất, hiến cây để xây dựng NTM. Tranh thủ nhiều nguồn lực từ trung ương, địa phương và cả những người con Vũ Quang xa quê đóng góp, từng tiêu chí trong NTM dần được hoàn thiện. Đến đầu năm 2021, những tiêu chí khó nhất, tốn nhiều kinh phí nhất cũng được hoàn thiện.

Vũ Quang đã xây dựng được 908 tuyến đường giao thông đạt chuẩn NTM, với tổng chiều dài gần 600 km được cứng hóa. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm sâu còn 1,38%. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người, một trong những tiêu chí khó đạt và quan trọng nhất trong xây dựng NTM ở Vũ Quang đã tăng vọt, gấp 4,7 lần so với trước khi xây dựng NTM. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt Vũ Quang đã có 2 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao.

Sau 10 năm xây dựng NTM, Vũ Quang đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào tháng 3/2021. Vũ Quang trở thành huyện miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước về đích NTM, được Chủ tịch nước quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Những vườn cam ở Vũ Quang đang vào độ thu hoạch
Những vườn cam ở Vũ Quang đang vào độ thu hoạch

Đổi thay một dải biên cương

Nhiều năm không trở lại Vũ Quang, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi diện mạo của huyện vùng biên. Trên Đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Vũ Quang đã có nhà máy gỗ MDF mang tầm quốc gia. Theo lời kể của một một lãnh đạo huyện, các mô hình kinh tế của chính những người nông dân nơi vùng biên, cho doanh số bạc tỷ đã không còn xa lạ. Trước làn gió NTM, sau 10 năm xây dựng, Vũ Quang- một dải biên cương đã “bừng sáng”.

Từ trên thân đê hồ thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, phóng tầm mắt về phía Đông, dòng sông Vũ Quang thơ mộng ôm lấy trung tâm huyện lỵ sầm uất, đẹp như một bức tranh. Con đường đôi thẳng tắp như sợi chỉ bạc xuyên qua thị trấn “trẻ”, được quy hoạch thoáng đãng. Xa hơn, trên những sườn đồi thoai thoải là những vườn mẫu trồng cam, hồng “bạc tỷ” đẹp đến mê hồn. Vũ Quang hiện có hơn 1.000 vườn mẫu, trong đó có nhiều vườn cho thu nhập tiền tỷ, làm thay đổi đời sống cho chính những người nông dân vùng biên.

Đường vào khu dân cư kiểu mẫu ở huyện miền núi Vũ Quang
Đường vào khu dân cư kiểu mẫu ở huyện miền núi Vũ Quang

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông trải dài bên những vườn cam, chanh “bạc tỷ”, ông Nguyễn Xuân Thê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh tự hào cho biết: “Khi bắt đầu xây dựng NTM, Đức Lĩnh không đạt tiêu chí nào. Qua nhiều lần thảo luận, xã đã thống nhất lựa chọn tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là bước đệm trong xây dựng NTM”.

Những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp, là yếu tố cơ bản để làm nên “sức sống mới” ở Vũ Quang. Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển doanh nghiệp đã được thực hiện trước một bước. Khi đời sống Nhân dân được cải thiện, những tiêu chí khác trong xây dựng NTM dường như đã trong tầm tay.

Những vùng sản xuất tập trung được quy hoạch rõ ràng, có những vùng được đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng đã hình thành nhiều mô hình kinh tế nông hộ cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, như mô hình nuôi lợn ở xã Hương Minh, mô hình nuôi ong lấy mật ở xã Ân phú…

Từ một huyện vùng biên thuần nông, sau 10 năm xây dựng NTM, Vũ Quang đã có bước tiến dài vững chắc, làm thay đổi cả một dải biên cương của Tổ quốc. 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.