Em Sùng Thị Anh, dân tộc Mông, học sinh lớp 8A, Trường PTDTNT, THCS huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ: Em rất thích các buổi học ngoại khóa của trường. Bởi tại các buổi học này, em đã tích lũy được khá đầy đủ về văn hóa của dân tộc mình, được tập các điệu múa, điệu hát... Đồng thời, cũng có thêm hiểu biết về văn hóa của các dân tộc anh em khác.
Khác với em Sùng Thị Anh, em Lò Thị Thúy, dân tộc Thái, học sinh lớp 8B được biết đến là “một cây văn nghệ” của trường, của lớp ngay từ khi còn học tiểu học. Chính vì vậy, bất kể khi tham gia chương trình gì của trường, của lớp em cũng đều mang những điệu hát, điệu múa của chính dân tộc mình để giới thiệu. Thúy chia sẻ, bản thân em đam mê văn nghệ từ bé nên được bà, được mẹ dạy lại rất nhiều. Tuy nhiên, cho đến khi về trường học tập và tham gia các buổi học ngoại khóa em mới tiếp cận với văn hóa của dân tộc Mông.
“Các buổi học ngoại khóa đã giúp em có thêm sự hiểu biết về chính dân tộc mình mà bản thân chưa nắm được. Đặc biệt em có cơ hội được biết và học về văn hóa của dân tộc Mông. Từ đó, em nhận thấy rằng, bản thân rất hứng thú với văn hóa truyền thống, nhất là mong muốn được tìm hiểu sâu hơn để cùng chung tay gìn giữ những nét đẹp văn hóa đó”, em Lò Thị Thuý tâm sự.
Các buổi học ngoại khóa với các hoạt động trải nghiệm về các điệu múa, các trò chơi dân gian, các nghi lễ và phong tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã thực sự tạo được môi trường giúp các em học sinh có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Đồng thời tạo được môi trường học tập thân thiện giúp các em tích cực hơn trong học tập, tạm quên đi nỗi nhớ nhà và yêu thích đến trường hơn.
Theo thầy Giàng A Của, Hiệu trưởng Trường PTDTNT - THCS huyện Mù Cang Chải, Trường có 300 em học sinh, trên 90% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái. Các buổi học ngoại khóa đã trở thành hoạt động thường niên vào các ngày cuối tuần của nhà trường. Để các buổi học ngoại khóa về các nét văn hóa truyền thống được trở nên thiết thực giúp các em có thể hiểu biết sâu sắc hơn, trường đã cử các giáo viên có tâm huyết và am hiểu về vốn văn hóa của dân tộc Mông, Thái, thậm chí là thường xuyên mời các nghệ nhân về trường để trực tiếp truyền đạt và hướng dẫn. Bên cạnh đó, trường cũng yêu cầu các giáo viên đầu tư và trau dồi thêm thông qua các khóa tập huấn nghiệp vụ liên quan đến nhạc dân gian, dân tộc, nhất là dân tộc Mông.
“Đặc biệt, trường còn thành lập các câu lạc bộ về văn hóa - văn nghệ, như: Câu lạc bộ khèn; câu lạc bộ đàn môi; câu lạc bộ sáo, nhị; tổ chức các đợt thi tìm hiểu về văn hoá dân tộc. Đồng thời, cử chính các em tham gia các lễ hội lớn của huyện nhằm giúp các em bồi đắp thêm tình yêu cội nguồn về văn hóa truyền thống của dân tộc”, thầy Của nói.