Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bồi đắp niềm tự hào dân tộc qua Lễ hội "Hương sắc vùng cao"

Quỳnh Trâm - 04:26, 24/11/2023

Bảo tồn, phát huy văn hóa của các dân tộc luôn được tỉnh Thanh Hóa hết sức chú trọng. Lễ hội Hương sắc vùng cao, là một trong những thành công của ngành văn hóa tỉnh, khi tái hiện lại nhiều loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tạo nên không gian văn hóa đậm đà bản sắc, nhận được sự quan tâm, yêu thích của quần chúng Nhân dân.

Khơi gợi niềm tự hào dân tộc 

Trở về từ Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” được tổ chức tại huyện Thường Xuân từ ngày 11-13/11/2023, những dư vị và ấn tượng về lễ hội văn hóa này vẫn lưu lại trong lòng tôi một cách sâu sắc.

Đông đảo người dân và du khách các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh đến với tuần Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao"
Đông đảo người dân và du khách các địa phương trong tỉnh, ngoài tỉnh đến với tuần Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao"

Phải nói rằng, đây là một thành công của ngành văn hóa tỉnh Thanh Hóa trong nỗ lực gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS miền núi. Tại lễ hội lần này, các dân tộc Thái, Mường, Dao...có dịp quảng bá trang phục, vũ điệu, bài ca độc đáo, thậm chí các đặc sản vùng miền đậm đà bản sắc của dân tộc mình. Qua đó, tạo sân chơi giao lưu văn hóa cho các dân tộc, cơ hội học hỏi, kết nối của những người trẻ DTTS, giúp họ thêm hiểu, thêm yêu và nuôi dưỡng niềm tự hào đối với nền văn hóa đa dang của dân tộc mình, đất nước mình.

Những ngày diễn ra liên hoan gắn với Lễ hội “Hương sắc vùng cao”, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) sôi nổi với nhiều hoạt động có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, đồng bào các DTTS đến từ các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh và sự góp mặt của các nghệ nhân, diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (Sở VH,TT&DL).

Xuyên suốt lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa vui tươi, sinh động, qua những hoạt động, Chương trình văn nghệ dân gian; trích nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; văn hóa ẩm thực truyền thống; không gian phiên chợ vùng cao; trình diễn trang phục truyền thống các DTTS xứ Thanh...

Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao"
Nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ hội văn hóa "Hương sắc vùng cao"

Đến với liên hoan và Lễ hội “Hương sắc vùng cao”, Nhân dân và du khách được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, trong đó có chương trình nghệ thuật “Danh nhân Cầm Bá Thước - Rạng ngời đất Châu Thường”. Hoạt cảnh tái hiện thân thế và sự nghiệp Danh nhân Cầm Bá Thước - vị thủ lĩnh tài ba của đồng bào dân tộc Thái huyện Thường Xuân trong phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa. Chương trình nghệ thuật góp phần tuyên truyền, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của mỗi người con xứ Thanh.

Trong khuôn khổ chương trình, Nhân dân và du khách còn trải nghiệm không gian “Phiên chợ vùng cao” và văn hóa ẩm thực các dân tộc. Ở phiên chợ, các chàng trai, cô gái đến từ các dân tộc giới thiệu các món ăn, các sản vật đặc sản của địa phương; các trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm... đến du khách. Trong không gian liên hoan, âm thanh tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã cùng những điệu múa làm đắm say lòng người.

Nhân dân và du khách còn trải nghiệm không gian “Phiên chợ vùng cao” và văn hóa ẩm thực các dân tộc
Du khách được trải nghiệm không gian “Phiên chợ vùng cao” và văn hóa ẩm thực các dân tộc

Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao được ví như một bức tranh đa sắc màu về đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào DTTS xứ Thanh. Các hoạt động giàu bản sắc văn hóa của các DTTS số tại liên hoan, đã tái hiện lại các giá trị văn hóa dân gian trong đời sống của đồng bào DTTS. Khẳng định sức sống mãnh liệt của văn hóa các dân tộc qua thời gian và không gian, trong sự giao thoa và biến đổi.

 Trong xu thế hội nhập hiện nay, văn hóa của đồng bào DTTS đang dần bị mai một bởi nhiều yếu tố, thì liên hoan chính là “sợi dây” gắn kết, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong lòng mỗi người dân, nhất là con em vùng đồng bào DTTS.

Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” 2023 diễn ra với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc
Lễ hội Văn hóa “Hương sắc vùng cao” 2023 diễn ra với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc

Anh Hà Văn Thái, người dân huyện Thường Xuân chia sẻ: Những ngày lễ hội diễn ra, tôi đã đưa các con đến vui chơi và trải nghiệm, giải thích cho con những hoạt động, trang phục gắn với dân tộc Thái, giúp các con thêm hiểu về văn hóa dân tộc mình và nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào khi là con cháu của người dân tộc Thái.

" Đây là một lễ hội vô cùng ý nghĩa với đồng bào DTTS, rất lâu rồi mới có một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng vui thế này, các dân tộc anh em có thể giao lưu, kết nối với nhau một cách cởi mở, chân thành. Hi vọng sẽ có thêm nhiều lễ hội tương tự để người dân chúng tôi được trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS ”, anh Thái bộc bạch

Lễ hội thúc đẩy du lịch

Ông Lê Hữu Giáp, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Xuân cho biết: Là địa phương đăng cai tổ chức liên hoan, ngoài hoạt động chính tham gia liên hoan như các đơn vị khác, huyện Thường Xuân đã khai mạc Tuần lễ VH,TT&DL với nhiều hoạt động như tổ chức giải đua thuyền truyền thống lần thứ 5, thu hút 14 xã, thị trấn và 3 đơn vị khách mời, với tổng số hơn 260 vận động viên tham gia; tổ chức thi đấu các môn thể thao truyền thống; lễ mừng cơm mới; tổ chức các trò chơi trò diễn dân gian như đẩy gậy, tung còn, kéo co, nhảy sạp... Các hoạt động này diễn ra tại khu du lịch bản Mạ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

“Liên hoan góp phần giúp địa phương quảng bá mảnh đất, con người, các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm tiêu biểu của Thường Xuân đến đông đảo Nhân dân, du khách, góp phần thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Thường Xuân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nói riêng, thúc đẩy du lịch huyện Thường Xuân nói chung phát triển”, ông Giáp nói.

Giải đua thuyền truyền thống có tổng số hơn 260 vận động viên tham gia
Giải đua thuyền truyền thống có tổng số hơn 260 vận động viên tham gia

Riêng tuần lễ VH,TT&DL huyện Thường Xuân kết hợp với Chương trình Liên hoan Văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” của tỉnh được tổ chức trên địa bàn huyện đã thu hút trên 13.258 lượt khách về dự sự kiện, trong đó có 50 lượt khách quốc tế.

Đánh giá cao lễ hội, bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa khẳng định: Liên hoan là một sự kiện văn hóa quan trọng, nhằm góp phần thực hiện đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS giai đoạn 2021-2030” của Bộ VH,TT&DL; Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. 

Thông qua sự kiện góp phần từng bước nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ và Nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Đồng thời, đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người xứ Thanh; giới thiệu, kết nối các điểm đến, sản vật truyền thống của các địa phương nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.