Linga bằng vàng được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học năm 2013, tại di tích cụm tháp Po Dam thuộc xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Có niên đại khoảng thế kỷ VIII - IX; Kích thước cao 6,6cm; đường kính thân 5,35 - 5,49cm; đường kính vành 5,8 - 6,0cm; có trọng lượng 78,36gr; qua phân tích, hàm lượng vàng chiếm tỷ lệ lên đến 90,4%, bạc 9,05% và đồng 0,55%.
Linga là dương vật, biểu tượng của sự sinh sản, của nguồn sống. Trong Bàlamôn giáo, Linga tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý nhân - quả (phá hủy và tái sinh), là sự sinh sản, là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa - quốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.
Linga làm bằng kim loại vàng, được chế tác bằng kỹ thuật gò - tán, tạo hình dạng một khối rỗng lòng, thân hình trụ ngắn, đầu hình khối bán tròn; trên thân của Linga thể hiện đường khâu quy đầu bằng đường chạm chìm có nét mảnh tạo thành một vòng tròn ôm vòng quanh phần lớn vòng tròn của đoạn dưới thân, vòng lên trên có đỉnh cao và thu nhỏ hình chóp, phản ánh đặc điểm tả thực của cấu trúc quy đầu Linga; kiểu dáng, kỹ thuật chế tác và quy mô - kích thước của hiện vật cũng rất đặc trưng, chưa có hiện vật tương tự được tìm thấy trong văn hóa Champa và các nền văn hóa - văn minh cổ ở khu vực.
Hiện vật Linga bằng kim loại vàng của di tích Po Dam là trường hợp duy nhất cho đến nay là loại hình Linga một phần làm bằng kim loại vàng được tìm thấy trong văn hóa Champa từ quá trình khai quật khảo cổ học ngay trong địa tầng, chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Po Dam và văn hóa Champa.
Theo kế hoạch Lễ hội Katê sẽ diễn ra từ ngày 1 - 2/10/2024, tại di tích tháp Pô Sah Inư, gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, nghi thức phần lễ do các chức sắc tôn giáo người Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn huyện Hàm Thuận Bắc thực hiện, như nghi lễ cúng cầu an tại tháp chính, nghi thức múa mừng, thỉnh mời thần linh.
Vào ngày lễ chính ngày 2/10 (mùng 1 tháng 7 Chăm lịch), sẽ diễn ra nghi lễ nghinh rước trang phục Nữ thần Pô Sah Inư lên tháp chính, mở cửa tháp, tắm bệ thờ Linga - Yoni, mặc trang phục bệ thờ Linga - Yoni và đại lễ cúng tạ ơn Nữ thần Pô Sah Inư, các vị thần linh và ông bà, tổ tiên. Đặc biệt, còn có nội dung công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia - đợt 12, năm 2023 đối với Linga vàng phát hiện tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong).
Phần hội là những hoạt động sôi nổi diễn ra tại sân khấu chính như hội thi thổi kèn Saranai và đội nước vượt chướng ngại vật; trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế Nữ thần Pô Sah Inư. Chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian do Đội văn nghệ dân gian Chăm đến từ các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn phục vụ Nhân dân và du khách.
Lễ hội Katê được tổ chức theo đúng phong tục tập quán, với sự tham gia đông đảo của đồng bào người Chăm đến từ 6 huyện trong tỉnh. Đây là chương trình nhằm bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Chăm. Từ đó dần đưa Lễ hội Katê trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn có sức thu hút Nhân dân, du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận phát triển.