Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công nhận Mộc bản chùa Dâu là Bảo vật quốc gia

Nguyệt Anh - 18:02, 13/05/2024

Ngày 13/5, tại chùa Dâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh diễn ra Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận Bảo vật quốc gia đối với Mộc bản chùa Dâu và khai mạc Lễ hội chùa Dâu năm 2024.

Mộc bản chùa Dâu. Ảnh: TL
Mộc bản chùa Dâu. Ảnh: TL

Bảo vật quốc gia - Mộc bản chùa Dâuđược Thủ tưởng Chính phủ công nhận vào tháng 1/2024. Bộ mộc bản gồm 107 ván khắc là hiện vật gốc duy nhất, độc bản, toàn vẹn và có tính xác thực với nhiều loại hình văn bản như: Truyền thuyết về Phật Tứ pháp, kể hạnh về Phật Tứ pháp, kinh Phật, các nghi lễ cầu mưa, cầu tạnh, cúng tế các vị Tổ chùa... Giới nghiên cứu tạm phân loại thành 13 bộ khác nhau gồm: Cổ Châu hạnh, Cổ châu lục, Cổ Châu nghi, Âm chất giải âm, Nhân quả quốc ngữ, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn, Thỉnh Long Vương nghi, Công đức, Mục Liên, Tam giáo, Phù chú và Tồn nghi là những ván chưa xác định được tên gọi.

Mỗi ván khắc có tiết diện hình chữ nhật, hầu hết đều có kích thước trung bình dài từ 40 - 47cm, rộng từ 19 - 24cm, độ dày ván từ 1,5 - 2,5cm; có 92/107 ván được khắc 2 mặt và 15/107 ván khắc một mặt. Một số ván khắc đan xen những đồ hình minh họa được bố cục chặt chẽ, hài hòa với phần văn tự.

Mộc bản chùa Dâu được san khắc vào thời Lê Trung Hưng và Tây Sơn kéo dài đến thời Nguyễn. Chữ trên mộc bản đều là chữ Hán cổ và chữ Nôm được khắc âm bản, đường nét mềm mại, có tính thẩm mỹ cao nên khi in ra giấy dó rất sắc nét. Chất liệu ván in đều được làm bằng gỗ cây thị, trải qua thời gian gần 300 năm, nhưng ván khắc ở chùa Dâu còn khá nguyên vẹn, đủ số chữ, sắc nét, rõ ràng.

Từ xa xưa, chùa Dâu và hệ thống Phật Tứ pháp gắn liền với ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp và là một trung tâm Phật giáo với sự giao thoa, dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng bản địa để tạo nên hệ thống Phật Tứ pháp đặc trưng riêng của Việt Nam. Mộc bản chùa Dâu là Di sản văn hóa có giá trị to lớn giúp cho việc nghiên cứu về chùa Dâu, Tứ pháp trong lịch sử, đồng thời tìm hiểu về các vị sư Tổ chùa Dâu qua các thời kỳ. Hiện nay, 107 ván khắc gỗ ở chùa Dâu đang được bảo vệ, cất giữ cẩn trọng.

Các liền anh, liền chị hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại lễ hội chùa Dâu năm 2024. Ảnh: Thanh Thương-
Các liền anh, liền chị hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Lễ hội chùa Dâu năm 2024. Ảnh: Thanh Thương

Cũng trong dịp này diễn ra Lễ hội chùa Dâu năm 2024 (từ ngày 13 - 15/5, tức ngày 6 - 8/4 âm lịch) với các nghi thức tế lễ truyền thống tại chùa Dâu và các chùa trong hệ thống thờ Tứ pháp. Lễ khai hội và công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia bộ Mộc bản chùa Dâu tại khu vực sân chùa Dâu.

Cùng với phần lễ là các hoạt động phần hội như: Hát Quan họ trên thuyền; múa rối nước Đồng Ngư; trình diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống ca trù, trống quân, hát chèo, hát văn...; giao lưu văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian...

Lễ hội chùa Dâu là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân vùng Dâu. Bởi đây không chỉ là nhu cầu tìm về Phật tổ và hòa mình trong hoạt động văn hóa cộng đồng dân gian sôi động, tiêu biểu mà còn mang ý nghĩa quan trọng là cầu mong mọi điều tốt lành, cầu cho mưa thuận gió hòa - một ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.