Về với xã biên giới Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), nơi có tới 50% dân số là đồng bào DTTS đang sinh sống ở thời điểm hiện tại, chúng ta dễ dàng nhận thấy một diện mạo mới của mảnh đất này. Những con đường đất đỏ, lầy lội trước kia nay đã được “khoác áo mới” bê tông hoá, lẫn đường nhựa khang trang. Cùng với cơ sở hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân trong xã cũng ngày một được nâng cao. Để có được thành quả như hiện tại, lực lượng người có uy tín nơi đây đóng một vai then chốt.
Chính vì vậy, những con người như ông Lâm Hay, người có uy tín ở ấp Chàng Hai, xã Lộc Khánh được bà con địa phương vô cùng quý trọng và kính nể.
Nhằm giúp bà con đồng bào DTTS từng bước vươn lên, thoát nghèo bền vững, suốt nhiều năm qua, ông Lâm Hay không quản ngại khó khăn, vất vả, trực tiếp ghé từng nhà dân, chỉ bảo tận tình cách ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đồng thời nêu ra những giải pháp phù hợp để sử dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước một cách hiệu quả.
“Thay đổi nhận thức của người khác là chuyện không hề dễ dàng. Tuy vậy, để xây dựng xã ngày một khang trang, giàu đẹp hơn, cần tới sự chung sức, chung lòng của tất cả người dân. Ý thức được điều đó, những năm qua người dân xã Lộc Khánh đã tích cực hiến công sức, đất đai, lẫn tiền bạc để cùng Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Hay như việc 100% người dân ở ấp Chàng Hai đã chủ động đưa trâu, bò ra địa điểm nuôi nhốt tập trung hoặc xa khu dân cư nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã thể hiện lối tư duy văn minh, tiến bộ”, ông Lâm Hay vui vẻ chia sẻ.
Nói về những đổi thay của quê hương, ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh thêm một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của người có uy tín tại địa phương. Nhờ lực lượng nòng cốtnày mà nhận thức của người dân ngày một được nâng cao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Lộc Khánh đã đóng góp bằng tiền, hiến đất, ngày công lao động... tổng trị giá trên 11 tỷ đồng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ, đời sống của người dân cũng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 46 triệu đồng/người/năm. Điều đáng nói, xã Lộc Khánh hiện không còn hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Trong khi đó, ông Điểu Va, 67 tuổi, người có uy tín, dân tộc S’tiêng tại thôn 2, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng lại có công lớn trong việc tuyên truyền, vận động bà con không bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất. Theo ông Va chia sẻ, những năm trước đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc S’tiêng trong vùng nghe theo kẻ xấu đã bán điều non, cầm cố đất để có tiền tiêu xài. Tài sản cứ không cánh mà bay.
“Điển hình như trường hợp nhà Điểu Sơn bán non 3ha điều trong 3 năm với giá chỉ 30 triệu đồng để mua xe máy và tiêu xài. Trong khi trên thực tế, thu hoạch một mùa điều cũng đã cho giá trị trên 30 triệu. Tôi nói Điểu Sơn trả lại nửa tiền cho người ta rồi lấy vườn điều về nhưng người mua không chịu vì đã có giấy mua bán. Vì thương dân quá, tôi đứng ra kiên trì thuyết phục, cuối cùng người mua cũng chỉ thu thêm một mùa nữa rồi trả lại vườn điều chô Sơn”, ông Va nhớ lại.
Nhờ ông Điểu Va, mà giờ đây không còn hộ dân nào ở thôn 2, xã Thống Nhất làm việc dại dột như trên nữa. Người dân nơi đây dần thay đổi nhận thức, tu chí làm ăn, nên đời sống khấm khá hơn trước nhiều.
Bên cạnh việc vận động mọi người tích cực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn tích cực tuyên truyền người dân vùng đồng bào DTTS dần xoá bỏ các thủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng nếp sống văn minh hơn.
Ông Điểu Mun, người có uy tín ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập được xem là người tiên phong trong công tác tuyên tuyền, vận động đồng bào DTTS xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Theo ông Mun, nhiều năm về trước, đồng bào dân tộc S’tiêng ở xã Bù Gia Mập vẫn tồn tại khá nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Cụ thể, nhiều gia đình nghèo khi có ma chay, cưới hỏi phải chạy vạy vay tiền khắp nơi mua sắm đồ lễ với số lượng lớn. Hệ luỵ khiến nhiều gia đình phải bán ruộng, nương, đất đai nên nợ nần, nghèo khó cứ chuyển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Trước thực trạng nhức nhối trên, tôi đã đến tận nhà hay tổ chức họp buôn làng để tuyên truyền, vận động bà con nên chủ động xoá bỏ những hủ tục trong ma chay, cưới xin, tránh lãng phí. Nhờ việc kiên trì tuyên truyền, vận động mà tới nay tôi cũng như những người có uy tín khác đã giúp nhiều gia đình từ bỏ hủ tục lạc hậu trên”, ông Mun cho biết thêm.
Theo đánh giá của bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, với đặc thù là tỉnh có đa thành phần dân tộc cùng sinh sống, nhiều nơi đời sống đồng bào còn khó khăn thì già làng, người có uy tín bằng tiếng nói của mình đã đi trước nêu gương, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tuyên truyền để đồng bào DTTS chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bà Minh mong rằng, thời gian tới, lực lượng người có uy tín tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò cùng chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.