Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Võ Nhai (Thái Nguyên): Quyết liệt triển khai Chương trình MTQG 1719

Vân Khánh - 00:51, 13/06/2023

Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ( gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) như thổi một “luồng gió mới” cho huyện vùng cao Võ Nhai, huyện khó khăn nhất tỉnh Thái Nguyên. Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã tiếp thêm động lực cho vùng đất khó khăn “chuyển mình”.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên và lãnh đạo huyện Võ Nhai thăm mô hình trồng bưởi diễn tại xã Tràng xá, huyện Võ Nhai.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên (thứ hai từ phải qua) và lãnh đạo huyện Võ Nhai thăm mô hình trồng bưởi diễn tại xã Tràng xá, huyện Võ Nhai

Ưu tiên phát triển kinh tế các xã đặc biệt khó khăn

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình MTQG 1719, Huyện ủy, UBND huyện Võ Nhai đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, nắm bắt tình hình để tham mưu giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các DTTS. Mặt khác, huyện chỉ đạo cơ sở cụ thể hóa chủ trương, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, đặc biệt ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn.

Triển khai Chương trình MTQG 1719, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ và nỗ lực vươn lên của người dân, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện Võ Nhai được quan tâm đầu tư. Đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa của đồng bào DTTS được nâng lên một bước, diện mạo nông thôn, miền núi đã có nhiều chuyển biến.

Như ở xã Liên Minh, những năm gần đây đang có những bước đi vững chắc, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các DTTS đã có nhiều thay đổi. Hầu hết các tuyến đường liên xã, liên xóm trên địa bàn đã được cứng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của người dân.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Văn Thượng - Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Cùng với đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, xã chú trọng phát huy thế mạnh kinh tế từ rừng và chè. Ở Liên Minh, mỗi năm lại có thêm trên 200 ha rừng được trồng mới, trồng lại. Ngoài ra, xã cũng đang có 386 ha chè với sản lượng chè búp tươi đạt gần 3.000 tấn/năm. Trong phát triển sản xuất, đồng bào các dân tộc đã từng bước thay đổi tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ; chủ động liên kết, thành lập các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả… Nhờ sự phát triển về hạ tầng và kinh tế, đời sống nhiều hộ dân ở Liên Minh đã được cải thiện. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 39,2 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 13%.

Cùng với xã Liên Minh, huyện Võ Nhai đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế tại nhiều xã khó khăn... Bước đầu, một số mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và giảm nghèo bằng trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc tại các xã: La Hiên, Phú Thượng, Tràng Xá... đã và đang mở ra hướng đi mới trong công tác giảm nghèo.

Theo chị Vàng Thị Mảy, xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ giống, vốn và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, đời sống và thu nhập của bà con trong xóm đã được nâng lên. Có thu nhập ổn định, người dân yên tâm, quan tâm, chăm lo con cái học hành, xây dựng đời sống văn hóa.

Các sản phẩm ocop của Võ Nhai đã được đưa vào các hội chợ thương mại trong và ngoài huyện.
Các sản phẩm OCOP của Võ Nhai đã được đưa vào các hội chợ thương mại trong và ngoài huyện

Khai thác hiệu quả nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Võ Nhai đã tập trung triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Chủ động tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân; mặt khác, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo Chương trình MTQG 1719 được địa phương khai thác có hiệu quả.

Đến nay, diện mạo vùng đồng bào DTTS của huyện Võ Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm, đến hết năm 2022, toàn huyện Võ Nhai đã giảm 4,2% số hộ nghèo (giảm còn 16,28%). Hầu hết các xóm, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 15/15 xã, thị trấn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã được cứng hóa; 151/153 xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (đạt 98,7%)… Hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn từng bước được xây dựng hoàn thiện, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn mới, huyện Võ Nhai sẽ đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, quan tâm phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương, ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động người DTTS. Chú trọng khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã tại các xã, thôn, bản bằng những chính sách cụ thể để các hợp tác xã trở thành những hạt nhân hỗ trợ hộ nghèo, làm “bệ đỡ” cho người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực… Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì các dự án trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoàn thành kế hoạch, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Đồng thời, phát huy tối đa tính chủ động của người dân, đối tượng được thụ hưởng chính sách. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chất lượng; đa dạng, phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề. Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở. Tăng cường các hoạt động văn hóa thông tin, quan tâm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; khuyến khích sử dụng trang phục dân tộc, dạy và nói tiếng DTTS ngay trong gia đình, thôn, bản và tại các trường học.

Chú trọng phát huy vai trò già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ là người DTTS và các chính sách ưu đãi, thu hút cán bộ trẻ, có tài năng, trí tuệ về công tác tại các vùng khó khăn...

Triển khai Chương trình MTQG 1719, năm 2022, huyện Võ Nhai đã xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho 240 hộ dân. Năm 2023, huyện sẽ khởi công mới thêm 1 công trình nước sinh hoạt tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho trên 200 hộ dân. Hỗ trợ 113 hộ dân có nhu cầu hỗ trợ nhà ở trên địa bàn. Khởi công xây dựng khu tái định cư Tân Kim, xã Thần Sa giải quyết nhà ở cho 79 hộ, với 365 nhân khẩu; xây dựng 20 mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và vùng trồng dược liệu quý, trên 15 dự án hỗ trợ đa dạng hóa  sinh kế cộng đồng. Hỗ trợ ít nhất 5 mô hình thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS; tổ chức các hội trợ thượng mại quảng bá, giới thiểu sản phẩm.

Đến hết năm 2022, toàn huyện đã giảm 4,2% số hộ nghèo (giảm còn 16,28%). Năm 2023, huyện Võ Nhai phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất các ngành chủ yếu trên địa bàn huyện tăng 7,1% trở lên so với năm 2022; giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt đạt 104 triệu đồng/ha; giảm tỷ suất sinh thô 0,1%o; giảm tỷ lệ hộ nghèo 3,66%, hộ cận nghèo 0,71%; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 1,4% so với năm 2022…


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.