Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sản phẩm - Thị trường

Bình ổn giá thịt lợn: Đâu là giải pháp thích hợp?

Sỹ Hào - 10:07, 05/06/2020

Để giảm giá thịt lợn, một trong những giải pháp đang được ngành chăn nuôi triển khai là tăng lượng thịt nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung. Nhưng điều này đang đặt ra cho ngành chăn nuôi nguy cơ bị mất lợi thế ngay trên chính sân nhà. Do đó, điều cần làm lúc này không chỉ dừng lại ở việc tìm mọi giải pháp để bình ổn giá thịt lợn mà quan trọng hơn là xây dựng được cơ chế hỗ trợ lâu dài để ngành chăn nuôi tránh được nguy cơ này.

Bình ổn giá thịt lợn: Đâu là giải pháp thích hợp?

Biến động trái chiều

Theo công bố của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), những ngày cuối tháng 5, giá lợn hơi ở tất cả các địa phương trên cả nước đều dao động từ 97 - 102 nghìn đồng/kg. Từ ngày 1 - 2/6, giá thịt lợn hơi ở cả 3 miền có xu hướng giảm.

Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá thịt giảm nhẹ, xuống còn 96 nghìn đồng/kg. Còn khu vực miền Trung, Tây Nguyên, giá có chiều hướng giảm sâu. Trong đó, Ninh Thuận là địa phương giảm nhiều nhất (giảm 4 nghìn đồng/kg), đưa giá thịt lợn hơi ở đây xuống còn 92 nghìn đồng/kg.

Đến ngày 3/6, giá thịt lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục giảm. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận giảm xuống còn 90 nghìn đồng/kg; Bình Thuận giảm xuống còn 94 nghìn đồng/kg; các địa phương còn lại hầu hết giảm 1 nghìn đồng/kg hoặc không giảm.

Trái lại, ngày 3/6, khu vực miền Bắc ghi nhận giá thịt lợn hơi đột ngột chuyển hướng đi lên. Ở các địa phương: Lào Cai, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội… đã tăng 1 - 2 nghìn đồng/kg, nâng mức giá thịt lên 98 - 99 nghìn đồng/kg.

Cách đây 3 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành Chăn nuôi phải bằng mọi cách đưa giá thịt lợn hơi về mức 60 nghìn đồng/kg ngay trong tháng 5. Nhưng giá của thực phẩm thiết yếu này (chiếm 70% trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm của người dân Việt Nam) hiện vẫn quá cao so với giá thành đầu vào.

Theo tính toán của Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35 nghìn đồng/kg. Về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi đã lãi 25 nghìn đồng/kg; nếu tăng thêm 10 nghìn đồng, thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày.

Cách nào bình ổn giá?

Về nguyên nhân giá thịt lợn hơi vẫn chưa thể “hạ nhiệt”, đại diện ngành chăn nuôi cho rằng là do nguồn cung thiếu hụt. Tác động nặng nề của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã khiến tổng đàn lợn trên cả nước giảm mạnh.

Đến thời điểm này, dù nhu cầu cung cấp thịt lợn rất lớn nhưng người chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn, khi nguy cơ DTLCP vẫn treo lơ lửng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/5, DTLCP ở 143 xã thuộc 54 huyện của 19 địa phương chưa qua 30 ngày.

Một nguyên nhân khiến việc tái đàn đang gặp khó là do người chăn nuôi thiếu vốn. Hiện nay, 65% tổng đàn lợn của nước ta được cung cấp bởi các nông hộ, trang trại, hợp tác xã. Còn các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 35% thị phần.

Chăn nuôi nhỏ lẻ nên sau bão dịch TLCP, ngành Chăn nuôi rất khó vực dậy vì thiếu vốn, trong khi giá lợn giống lại tăng cao (hiện ở mức 3 - 3,6 triệu đồng/con 6kg).

Từ đầu năm đến nay, nước ta đã nhập hơn 46 nghìn tấn thịt lợn, tăng tới 312% so với năm 2019. Nhưng giải pháp này vẫn chưa hiệu quả bởi đa số thịt nhập thường được phân phối chủ yếu tại các hệ thống siêu thị chứ không phân phối ở các chợ dân sinh hay vùng nông thôn nên người dân khó tiếp cận.

Nhiều ý kiến cho rằng, lúc này rất cần thiết đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá để kiểm soát giá một cách hiệu quả nhất. Đây cũng mới chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì phải thực hiện tái đàn. Nhưng muốn tái đàn thì người chăn nuôi cần nhất lúc này là chính sách hỗ trợ về con giống, nguyên liệu và đầu ra ổn định.