Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bình Định: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Văn Phong - 08:27, 28/11/2023

Tỉnh Bình Định có 3 dân tộc thiếu số chủ yếu gồm: Ba Na, Chăm, H’rê sinh sống ở 6 huyện miền núi. Trong thời gian qua, Bình Định đã triển khai Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 ở một số địa phương, nhưng để thực sự hiệu quả, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS thì cần triển khai đồng bộ các chính sách trong thời gian tới.

Du khách hòa mình cùng đồng bào DTTS ở “Cổng trời” An Toàn trong tiếng cồng chiêng
Du khách hòa mình cùng đồng bào DTTS ở “Cổng trời” An Toàn trong tiếng cồng chiêng

Nỗ lực bảo tồn văn hóa kết hợp phát triển kinh tế

Ở huyện An Lão, khu vực thung lũng An Toàn được so sánh như "cửa ngõ thiên đàng" của tỉnh Bình Định. Nơi đây không chỉ đặc trưng bởi bản sắc văn hóa độc đáo và phong phú mà còn giữ lại những đặc điểm sinh hoạt của cộng đồng dân tộc H’rê, Ba Na. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các homestay, hấp dẫn khách du lịch đến trải nghiệm và khám phá vùng đất này.

Chị Phạm Thị Kênh, ngụ thôn 1, xã An Toàn, là một trong những phụ nữ tiên phong trong việc kinh doanh homestay ở huyện An Lão. Cuối năm 2020, chị Kênh mở homestay với nhà sàn gỗ có hàng chục phòng ngủ, nhà tắm và nhà vệ sinh được đầu tư bài bản phục vụ khách du lịch. Homestay phục vụ các món đặc sản địa phương như: ốc đá, cá niên, rau dớn, gà thả đồi…

Mặc dù đã đối mặt với không ít khó khăn trong những ngày đầu, nhưng với tinh thần kiên trì muốn vươn lên làm giàu, homestay “Cô Kênh” của chị ngày càng được nhiều người biết đến. Khách đến nghỉ dưỡng ở homestay của chị Kênh còn được trải nghiệm những món ẩm thực đặc sản, nét văn hóa độc đáo của bà con Ba Na và đi tham quan thác sông Mia, thác Pờ Nhua, tham quan 200ha vườn sim, đi tắm sông bắt cá, chế biến, thưởng thức món ăn tại chỗ… Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chị Kênh đã mua nhiều bộ trang phục thổ cẩm truyền thống Ba Na để khách có nhu cầu mặc chụp hình lưu niệm. Chưa kể, gia đình chị còn liên hệ đội cồng chiêng, múa xoang của thôn đến diễn tấu, giao lưu cùng du khách.

“Chúng tôi làm homestay trước hết bởi tâm nguyện góp phần thu hút du khách khắp nơi đến với mảnh đất tuyệt đẹp này. Ngoài khám phá cảnh đẹp, du khách còn biết đến ẩm thực, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc nơi đây”, chị Kênh chia sẻ.

Những ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp ở An Toàn, An Lão, Bình Định
Những ruộng lúa bậc thang tuyệt đẹp ở An Toàn, An Lão, Bình Định

Cũng như mô hình kinh doanh của chị Kênh, HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn cũng triển khai Farmstay Nẫu Ecovalley ở “cổng trời’ An Toàn. Hiện nay, Farmstay Nẫu Ecovalley đang kết hợp với bà con địa phương để níu chân du khách bằng sự giản dị, thân thiện, không gian văn hóa đặc sắc. HTX này đã và đang phối hợp hiệu quả với Hội Phụ nữ thôn 1, An Toàn tổ chức các hoạt động tham quan làng Ba Na và trải nghiệm ăn tối trong nhà dân bên bếp lửa nhà sàn cùng các món ăn đặc sản, uống rượu cần. Cùng với đó, kể cho du khách nghe những câu chuyện về làng và các phong tục, tập quán cũng như những lễ hội đặc trưng nơi đây.

Cần một cú hích để phát triển xa hơn

Anh Vũ Đức Hòa thuộc HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn cho biết: Để phát triển du lịch cộng đồng kết hợp sinh thái, huyện An Lão nói riêng và tỉnh Bình Định cần tận dụng thế mạnh về thiên nhiên ở từng khu vực. Đối với huyện An Lão, với địa hình nằm ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển cùng nhiệt độ trung bình khoảng 22 độ C, An Lão có hệ sinh thái rừng nhiệt đới ấn tượng và được bao trùm bởi văn hóa Ba Na và H’rê độc đáo. Tận dụng lợi thế này, có thể xây dựng các trang trại du lịch sinh thái, du khách có thể tham gia vào các hoạt động khám phá thiên nhiên, tìm hiểu nông nghiệp dược liệu, thu hoạch nông sản và trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Cũng theo anh Hòa, để phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm nông dược thì rất cần có sự tham gia đồng hành hỗ trợ và hợp tác giữa các cơ quan, ban ngành và các doanh nghiệp du lịch, nông nghiệp, từ đó đưa các tour du lịch sinh thái cộng đồng và thúc đẩy loại hình sản phẩm dịch vụ đặc thù này.

Bình Định hiện nay có 33 xã, thị trấn miền núi là nơi sinh sống của 39 DTTS với hơn 41 nghìn dân, chiếm hơn 2% dân số toàn tỉnh. 39 DTTS cư trú chủ yếu là dân tộc Ba Na, Chăm H'roi và H'rê sinh sống ở 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc trưng, luôn gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của đồng bào mình.

Chị Phạm Thị Kênh (bên phải) chuẩn bị các món đặc sản địa phương để phục vụ du khách.
Chị Phạm Thị Kênh (bên phải) chuẩn bị các món đặc sản địa phương để phục vụ du khách.

Tháng 10 vừa qua, Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch triển khai thực hiện Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2030. Theo nội dung báo cáo, trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 7 vừa qua, Bình Định đã mời gọi, thu hút 17 dự án đầu tư phát triển du lịch với tổng vốn đầu tư khoảng 49.747 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa mời gọi được các nhà đầu tư vào địa bàn các huyện vùng núi, có đông đồng bào DTTS như An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn.

Theo bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, hiện nay công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho phát triển du lịch còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các huyện miền núi, nơi có đồng bào DTTS sinh sống hầu hết đều có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, xuất phát điểm kinh tế còn thấp, hạ tầng cơ sở phát triển chậm và thiếu bền vững. Cùng với đó, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước tuy được tăng cường nhưng trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp nhu cầu thực tế ở cơ sở…

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát huy được các tiềm năng du lịch, kết hợp với bảo tồn văn hóa của đồng bào DTTS ở Bình Định như mong đợi, đòi hỏi cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã có những trao đổi, thảo luận và đưa ra những đánh giá về tiềm năng phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của tỉnh Bình Định. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.