Tiềm năng bản sắc văn hóa dân tộc Khmer
Tỉnh Sóc Trăng có 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có 5 di sản của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội đua ghe ngo; nghệ thuật trình diễn sân khấu dù kê; nghệ thuật trình diễn dân gian múa rom vong (còn gọi là múa lâm thôn); nghệ thuật trình diễn nhạc ngũ âm; nghệ thuật sân khấu rô băm...
Nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật múa rom vong của người Khmer là loại hình văn hóa – nghệ thuật được hình thành và gắn liền với lao động sản xuất của người Khmer từ xa xưa. Những loại hình nghệ thuật này không thể thiếu ở các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer.
Để bảo tồn và phát huy những di sản này, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư thực hiện các giải pháp như: đầu tư phục dựng và bảo tồn nghệ thuật Dù Kê, Rô Băm; tổ chức hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Bên cạnh đó, hàng năm các cấp chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer sinh hoạt các lễ, hội theo truyền thống như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôl Ta, lễ hội Oóc Om Bóc (đua ghe Ngo), lễ hội thả đèn nước trên sông, lễ dâng bông (của đồng bào dân tộc Khmer); đồng thời, còn tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào.
Ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe Ngo ở Sóc Trăng đã được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận, là lễ hội có số lượng ghe và vận động viên tham gia đông nhất Việt Nam, là niềm tự hào của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Lễ hội cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là di sản văn hóa phi vật thể để vừa bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS, vừa tạo điều kiện cho đồng bào tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
"Chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer. Chúng tôi sẽ xuất bản các tài liệu về nguồn gốc của một số lễ hội, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer… Tỉnh cũng có một trung tâm trưng bày về sản phẩm văn hóa Khmer", ông Lý Rotha nói.
Trong những di sản văn hóa, còn có những ngôi chùa của đồng bào Khmer.Tại Sóc Trăng hiện có 92 ngôi chùa Khmer, trong đó có 2 chùa được công nhận di tích quốc gia, là chùa Dơi và chùa Kh’Leang. Đây là những công trình nghệ thuật hài hòa các yếu tố kiến trúc, điêu khắc, hội họa...; là nơi lưu giữ linh hồn và văn hóa cổ của người Khmer.
Ấn tượng là ngôi chùa Sê Rây Tà Mơn. Đây là công trình thể hiện sự đoàn kết trong phật tử 3 dân tộc Khmer - Kinh - Hoa trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh. Theo Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu tỉnh Sóc Trăng, trước đây chùa Sê Rây Tà Mơn hầu như gần mất trong bản đồ chùa Khmer của tỉnh. Từ khi Thượng tọa Trần Văn Tha làm trụ trì, chùa đã vận động và cùng mạnh thường quân để xây dựng, trùng tu lại. Chính quyền địa phương cũng đã hỗ trợ kinh phí và các nhạc cụ truyền thống của dân tộc Khmer, góp phần thêm phong phú bản sắc văn dân tộc..
Gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch
Vĩnh Châu là một huyện vùng biên giới biển, có đông đảo bà con Khmer sinh sống, theo ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu, xác định, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Bên cạnh đó, cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao…trong vùng có đông đồng bào dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Từ thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, Sóc Trăng đã duy trì thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào Khmer gắn với phát triển du lịch. Điển hình như việc tổ chức một số lễ hội lớn, như Lễ hội Chrôi Rum Chếk (cúng phước biển Vĩnh Châu), lễ Thắk Côn (cúng dừa), Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Lôi Protip (thả đèn nước), Lễ hội cúng Trăng…
Đặc biệt là Lễ hội Oóc om bóc-Đua ghe ngo, đã đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc tổ chức các lễ hội, như khán đài, bờ kè đường đua ghe ngo; khu du lịch văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách); khu tổ chức Lễ hội cúng Phước biển của đồng bào dân tộc Khmer ( thị xã Vĩnh Châu)…
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cách để các giá trị văn hóa của người Khmer tiếp tục phát huy giá trị, góp phần xây dựng nền văn hóa chung của Việt Nam - một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của tất cả các dân tộc anh em.
“Trong đó, việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống, dân gian được tỉnh quan tâm chú trọng, chỉ đạo tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động phong phú, hấp dẫn, độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham dự. Đây cũng là nội dung được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra với nhiệm vụ và giải pháp về du lịch", ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chia sẻ thêm.