Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bất cập trong các dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi: Cần phải trao "cần câu" cho người dân (Bài 2)

Thúy Hồng - 20:53, 15/04/2021

Việc hỗ trợ cây trồng vật nuôi từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chưa hiệu quả, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về phương thức quản lý, điều hành và triển khai thực hiện.

Việc hỗ trợ cây, con giống phù hợp, hiệu quả sẽ mở ra hướng thoát nghèo cho người dân
Việc hỗ trợ cây, con giống phù hợp, hiệu quả sẽ mở ra hướng thoát nghèo cho người dân

Nhiều cách làm hay

Lâu nay, quy trình thực hiện hỗ trợ một dự án sinh kế cho người dân phải trải qua nhiều bước, nhiều khâu. Muốn xây dựng một mô hình, cấp thôn phải lấy ý kiến của người dân, cộng đồng dân cư về nhu cầu hỗ trợ, rồi đến cấp xã… đến khi Thường trực HĐND tỉnh đồng ý thực hiện, mới coi như xong, vậy nên các dự án đều được triển khai rất chậm trễ. 

Để tháo gỡ những vướng mắc này, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết giao UBND cấp huyện phê duyệt dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, sau khi có ý kiến thống nhất của thường trực HĐND cùng cấp. Cách làm này, đã giảm đáng kể các bước thực hiện dự án, lại hiệu quả do được xây dựng từ thực tế.

Điển hình tại huyện Nam Trà My, để hỗ trợ cây, con giống, chính quyền đã khảo sát các loại cây trồng phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện phân công các đơn vị giúp đỡ hộ nghèo tiến hành khảo sát, nắm thông tin về nguyện vọng, nhu cầu và đặc điểm điều kiện kinh tế của từng gia đình để có hướng hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng kế hoạch phù hợp; hướng dẫn hộ nghèo thực hiện hồ sơ vay vốn ngân hàng và triển khai lồng ghép với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước để có hiệu quả cao hơn.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được hỗ trợ đầu tư về giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, rất phù hợp với quy hoạch phát triển của huyện. Mô hình của địa phương đã được các huyện miền núi Quảng Nam nhân rộng và mang lại hiệu quả.

Còn tại Hà Giang, thay vì hỗ trợ cây con giống, kinh phí trực tiếp cho người dân như giai đoạn 2016 – 2017, thì từ năm 2018 đến nay, Hà Giang đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức đầu tư có thu hồi, thông qua việc xây dựng các dự án có sự tham gia của đối tượng thụ hưởng (chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo). 

Điều này, vừa để tái đầu tư cho các hộ dân khác, vừa góp phần quan trọng thay đổi tư duy, nhận thức của người dân từ trông chờ sự đầu tư của nhà nước sang chủ động, linh hoạt, sáng tạo để nâng cao năng suất lao động.

Nội dung hỗ trợ được lựa chọn phù hợp với định hướng phát triển KT-XH và điều kiện thực tế địa phương, nhất là các dự án chăn nuôi lợn giống bản địa… Trên cơ sở đó, giúp nhiều hộ nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. So với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,2%/năm, từ 43,65% xuống còn 22,53%.

Trao cần câu thay vì trao con cá

Theo báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương đã hỗ trợ gần 7,7 nghìn tỷ đồng để thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo…

Một mô hình hỗ trợ nuôi dê cho hộ DTTS nghèo phát huy hiệu quả kinh tế
Một mô hình hỗ trợ nuôi dê cho hộ DTTS nghèo đang phát huy hiệu quả

Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có khoảng 17,1% số hộ gia đình tham gia dự án tự đánh giá là không được hưởng lợi đáng kể từ việc tham gia dự án; 23,8% số hộ đánh giá không có thay đổi về năng suất và sản lượng so với trước khi tham gia dự án; 20% số hộ đánh giá chất lượng sản phẩm sản xuất không tăng; 7,3% số hộ có thu nhập không thay đổi…

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đại, nguyên Bí thư Huyện ủy Văn Quan (hiện là Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ: Trong giai đoạn trước, các chính sách hỗ trợ đều hỗ trợ trực tiếp cho người dân vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Người dân vẫn chưa biết cách tái đầu tư sản xuất từ chính sách hỗ trợ. Mục tiêu trao "cần câu" cho người dân chưa thực hiện được.

Theo ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn Phòng Quốc hội), khi người dân được vay vốn, họ sẽ chủ động được giống cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu, cũng như điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của địa phương. 

“Việc hỗ trợ theo cơ chế đầu tư có thu hồi, sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển sinh kế bền vững cho người dân. Thay vì cho người dân con cá như trong giai đoạn trước, người dân sẽ được cho cần câu, qua đó sẽ thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong việc chủ động vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”, ông Bình cho biết.

Hy vọng trong giai đoạn tới, với những cách làm mới từ việc người dân thụ động trong việc nhận sự hỗ trợ, sẽ có quyền chủ động chọn lựa các cây con giống, cũng như mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương để phát triển sản xuất. Qua đó, sẽ tăng tính tự chủ cho người dân trong việc “tự tạo sinh kế”, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính họ.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.