Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bảo tồn văn hóa truyền thống qua góc nhìn về chính sách đối với nghệ nhân: Trăn trở về những nghệ nhân "không danh phận" (Bài 3)

Lê Hường - Ngọc Thu - 16:57, 14/07/2023

Hiện nay, ngoài số nghệ nhân được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong các buôn, bản, phum, sóc vẫn còn hàng ngàn nghệ nhân tâm huyết đang cố gắng bảo tồn, lưu giữ, phục dựng, truyền dạy và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Mặc dù chưa được Nhà nước công nhận là nghệ nhân, nhưng họ vẫn miệt mài cống hiến.

H’Lâm Hmok (bìa phải) truyền dạy đánh chiêng cho các trẻ gái người Ê Đê Bih
Chị H’Lâm Hmok (bìa phải) truyền dạy đánh chiêng cho các trẻ gái người Ê Đê Bih

Cống hiến thầm lặng

Kế tục đánh chiêng từ mẹ là cố Nghệ nhân Ưu tú H’Ríu Hmok, nhiều năm qua, chị H’Lâm Hmok, thành viên đội chiêng nữ Jho ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk miệt mài truyền dạy cồng chiêng cho trẻ em gái trong buôn.

Chị H’Lâm kể: Từ khi còn học mẫu giáo, H’Lâm đã theo mẹ đến các lễ hội và xem mọi người đánh chiêng. Đến năm lên 7 tuổi, H’Lâm được mẹ dạy cách đánh chiêng, kể về phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa của người Ê Đê Bih. Yêu tiếng chiêng, chị không chỉ hiểu mà thuộc nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc mình. 

Dạy chiêng cho thế hệ trẻ là rất cần thiết, vì nhiều nghệ nhân giỏi của đội chiêng đã già và về với tổ tiên, như mẹ của mình là Nghệ nhân H’Ríu Hmok. Bà là Đội trưởng đội chiêng nữ của buôn Trấp, cả đời tâm huyết với chiêng nữ cũng vừa qua đời cách đây mấy tháng. Bây giờ mình nối nghiệp mẹ, truyền dạy đánh chiêng cho trẻ em trong buôn, để chúng hiểu mà giữ gìn giá trị văn hóa vô giá này”, chị H’Lâm bộc bạch.

Buôn Trấp có 565 hộ dân, người Ê Đê Bih chiếm 70%. Đồng bào Ê Đê trước đây chỉ có nhánh Ê Đê Bih có chiêng nữ, còn các nhánh khác việc đánh chiêng dành cho nam giới. Văn hóa, phong tục truyền thống của người Ê Đê Bih cũng có nhiều khác biệt. Đặc biệt là đội chiêng nữ với bộ chiêng Jho. Từng có thời gian chiêng Jho đứng trước nguy cơ mai một, bởi đội nghệ nhân tuổi cao mà lớp trẻ chưa thực sự mặn mà. Nhờ chính sách bảo tồn cồng chiêng được triển khai đồng bộ với những việc làm cụ thể, thiết thực và tâm huyết của các nghệ nhân, mà nay buôn Trấp đã có đội cồng chiêng trẻ và đội cồng chiêng nhí. Tiếng chiêng Jho của người Ê Đê Bih ngân vang cả buôn làng.

Nhiều năm qua, mỗi khi Hè về, các thành viên đội chiêng lại tập hợp các bé gái trong độ tuổi tiểu học, hướng dẫn các em làm quen và tập đánh những bài chiêng truyền thống, khơi dậy sự quan tâm, yêu thích văn hóa cồng chiêng cho các em.

“Khó khăn lớn nhất khi truyền dạy là các cháu tiếp thu còn chậm, bởi tuổi nhỏ chưa hiết hết ý nghĩa của từng âm chiêng, nên rất khó bắt nhịp. Mình đầu tư nhiều thời gian, động viên, an ủi để các em cố gắng và tận tụy hướng dẫn thì các cháu mới hoàn thành được bài tập”, chị H’Lâm chia sẻ.

Ông Nay Tek truyền dạy cồng chiêng cho con trai Siu Thanh
Ông Nay Tek truyền dạy cồng chiêng cho con trai Siu Thanh

Không những truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng, hơn 10 năm qua, Nghệ nhân Nay Tek (SN 1969), làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai còn vận động người già, người trẻ trong làng tham gia đội cồng chiêng của làng, tập luyện đánh chiêng. Ngoài đội chiêng người lớn, bây giờ làng Djriêk còn có đội chiêng trẻ khoảng 35 cháu, tuổi từ 20 trở xuống và là 1 trong 3 đội chiêng thanh thiếu niên tiêu biểu của tỉnh.

Nghệ nhân Nay Tek chia sẻ: Dù cuộc sống của gia đình còn khó khăn, nhưng không phải vì thế mà mình đánh mất đam mê. Ngoài thời gian đi rẫy chăm sóc 2 sào mì, mình và người con trai út Siu Thanh cùng nhau đi dạy lớp cồng chiêng trong các trường nội trú, cũng như trong làng. Khi con mình thấu hiểu và nối tiếp đam mê từ cha, thì đó là niềm vui, hạnh phúc của mình.

Với những cống hiến không mệt mỏi, Nghệ nhân Nay Tek vừa được địa phương lập hồ sơ đề nghị xét duyệt Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

Đợi chờ được công nhận

Thực hiện Quyết định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức 3 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản phi vật thể. Kết quả là đã phong tặng 131 Nghệ nhân Nhân dân, 1.750 Nghệ nhân Ưu tú.

Việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản phi vật thể, đã góp phần động viên các nghệ nhân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá mà họ đang nắm giữ. Đồng thời, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao nhận thức toàn xã hội đối với công tác bảo vệ di sản phi vật thể nói riêng, di sản văn hóa nói chung.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng ngàn người dù chưa được Nhà nước công nhận là nghệ nhân, nhưng họ vẫn thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ, trao truyền giá trị, bản sắc văn hóa.

 Các nghệ nhân tỉnh Gia Lai trình diễn cồng chiêng
Các nghệ nhân tỉnh Gia Lai trình diễn cồng chiêng

Riêng tỉnh Đắk Lắk, theo số liệu thống kê gần nhất, toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Trong đó, 3.855 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng; 186 nghệ nhân hát kể sử thi; 253 nghệ nhân kể truyện cổ; 393 nghệ nhân chỉnh chiêng; 863 nghệ nhân biết lời nói vần, dân ca, tục ngữ; 635 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng; 1.270 nghệ nhân diễn tấu nhạc cụ tre, nứa; 568 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc; 734 thầy cúng; 1.032 nghệ nhân xử luật tục; 370 nghệ nhân tạc tượng.

Tuy nhiên, qua 3 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản phi vật thể, tỉnh Đắk Lắk mới được công nhận 49 Nghệ nhân Ưu tú, trong đó, 11 Nghệ nhân Ưu tú đã qua đời, hiện nay còn 38 Nghệ nhân Ưu tú vẫn đang miệt mài gìn giữ, trao truyền các di sản.

Tỉnh Gia Lai hiện cũng có hàng nghìn nghệ nhân trong các thôn, làng nắm giữ kho tàng văn hóa, thầm lặng cống hiến trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, nhưng mới chỉ có 32 nghệ nhân người Gia Rai, Ba Na được Nhà nước phong tặng danh Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú.

Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Hiện nay, việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Sở thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ. 

Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ xét tặng gặp nhiều khó khăn, vì các nghệ nhân không có hoặc có nhưng rất ít các băng, đĩa, hình ảnh mô tả tri thức, kỹ năng đang nắm giữ, hay giấy tờ liên quan tới giải thưởng… Bên cạnh đó, việc xác nhận mốc thời gian hoạt động trong nghề, số lượng học trò đào tạo được cũng rất khó.

Xét tặng danh hiệu đã khó, chế độ hỗ trợ cho nghệ nhân để họ tập trung phát huy tối đa khả năng của mình để gìn giữ, trao truyền các giá trị di sản cũng đang không dễ thực hiện...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.