Những người lưu giũ di sản
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bắc Giang, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), 38 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Đây là các nghệ nhân tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn nghệ nhân trong tỉnh đang nắm giữ, trao truyền “ngọn lửa” đam mê văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.
Bắc Giang tự hào khi có 5 làng Quan họ gốc và 13 làng Quan họ khác đang bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Quan họ đã được UNESCO vinh danh. Với một vùng không gian thực hành di sản rộng lớn, tỉnh Bắc Giang có tới 17 nghệ nhân Quan họ được vinh danh, trong đó có 2 NNND và 15 NNƯT.
Tiêu biểu trong số đó là NNND Nguyễn Phú Hiệp. Tên tuổi, gương mặt và giọng hát của anh đã trở nên quen thuộc trong các “canh hát” Quan họ truyền thống và trên các sân khấu, sự kiện Quan họ lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sau 31 năm gắn bó với Dân ca Quan họ, liền anh Phú Hiệp được đánh giá là người có đầy đủ kiến thức về lề lối, luật chơi Quan họ; nắm vững kỹ thuật xử lý câu hát đạt được các yếu tố vang, rền, nền, nẩy; nhận biết tường tận, bài bản về một canh hát Quan họ; có kỹ năng sư phạm và tâm huyết truyền nghề...
Cùng với Dân ca Quan họ, Chèo cổ Bắc Giang nằm trong “tứ chiếng” của lịch sử nghệ thuật Chèo ở nước ta. Nổi danh trong “chiếng Chèo Bắc” là những vùng chèo truyền thống như: Hoàng Mai (huyện Việt Yên), Tư Mại, Đồng Quan (huyện Yên Dũng)...
Còn trên quê hương Lục Ngạn có NNND Nguyễn Văn An tâm huyết trong công tác gìn giữ làn điệu Soọng cô (dân ca dân tộc Sán Dìu). Ông là người nắm vững kỹ thuật hát; sáng tác và sưu tầm được trên 300 bài hát. Ông cũng có công lớn trong việc thành lập, nhân rộng và phát triển các CLB hát dân ca dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Để di sản sống mãi với thời gian
Có một thực tế là các nghệ nhân ở Bắc Giang đa phần đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT, có 5 cán bộ được hưởng chế độ hưu, còn lại chủ yếu sống bằng nghề nông và lao động tự do.
Theo thống kê, chỉ có khoảng 2 - 3 nghệ nhân có thu nhập từ việc thực hành, truyền dạy di sản. Số lượng nghệ nhân là người DTTS, vùng sâu, vùng xa chiếm tỷ lệ 40%, những nghệ nhân này không có điều kiện để thực hành, truyền dạy di sản. Nhiều nghệ nhân phải làm nghề khác để nuôi sống đam mê gìn giữ, truyền dạy di sản.
Để phát huy tốt vai trò của đội ngũ NNND, NNƯT, những năm qua, ngành VHTT&DL tỉnh Bắc Giang cùng các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án, trong đó quan tâm hỗ trợ, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho đội ngũ nghệ nhân. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của các NNND, NNƯT trong việc truyền dạy các loại hình di sản tại cộng đồng; lấy các NNND, NNƯT làm trung tâm, nòng cốt, hình mẫu trong thực hành di sản tại cộng đồng và trong trình diễn tại các liên hoan, hội thi, hội diễn... các cấp.
Hiện nay, Sở VHTT&DL đang hoàn thiện các bước tham mưu xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với NNND, NNƯT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa theo Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tỉnh Bắc Giang có 15 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 4 di sản được UNESCO vinh danh gồm: Dân ca Quan họ, Ca trù, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam.