Trên địa bàn huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) có các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… cùng chung sống. Mỗi dân tộc có những nét đặc trưng văn hóa riêng, tạo nên giá trị văn hóa tinh thần thêm phong phú, đa dạng. Xác định lợi thế của địa phương, huyện Bảo Lạc đã tập trung phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Thực hiện Nghị Quyết 08 của Bộ Chính trị, năm 2017, xác định phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của đất nước, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã ban hành nhiều Đề án phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, huyện Bảo Lạc đã xây dựng chương trình phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn.
Huyện đã chỉ đạo ngành văn hoá và các xã duy trì tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian, các nghề thủ công truyền thống, những làn điệu dân ca của địa phương; bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức theo phong tục, tập quán địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện Bảo Lạc có các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tồng tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng hằng năm; khôi phục Chợ tình Phong lưu (tiếng dân tộc địa phương gọi là “Háng toán”, hoặc là “Háng Phúng Lìu”) ngày 15/8 Âm lịch; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô…
Tại các lễ hội, ngoài tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương, huyện Bảo Lạc còn trưng bày các sản vật, đặc sản, các món ăn, vật dụng truyền thống trong sinh hoạt, lao động sản xuất và các trang phục đặc trưng mỗi dân tộc…
Đặc biệt, triển khai Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”, người dân được xây dựng nhà văn hoá cộng đồng, hỗ trợ tu bổ, sửa chữa 5 ngôi nhà ở truyền thống... Người dân cũng được đào tạo, tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững du lịch cộng đồng đã thu hút du khách đến trải nghiệm, tham quan. Huyện cũng đã thành lập được 17 chi hội bảo tồn dân ca tại 17 xã, thị trấn của huyện Bảo Lạc để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng…
Anh Pẩu Văn Phương ở xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc - một trong những hộ mở dịch vụ Homestay ở Khuổi Khon chia sẻ, du khách rất hào hứng khi được nghỉ tại nhà sàn, trải nghiệm các hoạt động hằng ngày cùng với người dân như chế biến các món ăn truyền thống, chăm sóc gia súc, gia cầm, thêu, dệt thổ cẩm nên gia đình anh đã mở dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch. Từ khi làm Homestay, thu nhập của gia đình anh ổn định hơn, từng bước đủ điều kiện để phát triển, tạo thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Điểm nhấn trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện Bảo Lạc là tổ chức Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc vào thứ 7 hằng tuần đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc là nơi giới thiệu, quảng bá văn hóa, các sản phẩm, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện Bảo Lạc. Ngoài các hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, những điệu hát then, si lượn, nàng ới làm say đắm lòng người, còn có các hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian tham quan, khám phá những nét văn hóa đặc sắc và thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc nơi đây.
Bà Quan Hồng Tiềm, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Bảo Lạc cho biết: Để đẩy mạnh phát triển du lịch, huyện đã phục dựng, bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số như Lô Lô, Sán Chỉ…. bước đầu đã thu hút du khách đến thăm quan, du lịch, giúp người dân có thêm thu nhập.
“Thời gian tới, huyện Bảo Lạc tiếp tục xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, trang phục của một số DTTS có nguy cơ mai một, góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Lạc. Bên cạnh đó, phục dựng các lễ hội truyền thống, đẩy mạnh công tác sưu tầm, tăng cường quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch”, bà Tiềm cho biết.
Với những hoạt động văn hoá phong phú, đa dạng gắn với khai thác các giá trị từ bản sắc văn hoá truyền thống đã thu hút nhiều du khách đến với Bảo Lạc. Theo thống kê sơ bộ từ UBND huyện Bảo Lạc cho thấy, từ đầu năm đến nay, lượng khách đến Bảo Lạc khoảng 12.000 lượt. Chỉ tính riêng trong trong Tuần lễ văn hoá Chợ tình Phong lưu vừa diễn ra trong tháng 9/2022, đã có khoảng 6.000 du khách đã đến tham quan và lưu trú tại địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Bảo Lạc sẽ thực hiện nội dung đột phá về phát triển dịch vụ - du lịch giai đoạn 2020-2025, tập trung phát triển đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sẽ có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.