Phát biểu khai mạc Tuần lễ Văn hóa, thể thao, du lịch - Chợ tình Phong lưu, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, cho biết: Để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch, cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Lạc luôn chú trọng việc bảo tồn, phục dựng lễ hội, phong tục truyền thống; tích cực quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm tại địa phương.
Chợ tình Phong lưu là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc. Chợ Tình Phong lưu huyện Bảo Lạc có 2 phiên/năm, diễn ra ngày 30/3 và 15/8 âm lịch hằng năm. Trai, gái đến Chợ tình sẽ giao lưu, hát giao duyên tìm bạn bằng các làn điệu dân ca và nhiều cặp đôi đã nên duyên. Do quá trình hội nhập, phát triển, hoạt động Chợ tình Phong Lưu đã mai một, nhận thấy sự cần thiết phải bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc này, từ năm 2018, Chợ tình đã được tổ chức và phục dựng với sự tham gia, ủng hộ, hưởng ứng của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Với định hướng, nỗ lực bảo tồn trang phục các dân tộc, bảo tồn các làn điệu dân ca, bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch, huyện Bảo Lạc đã phục dựng, tổ chức các hoạt động trong Chợ Tình Phong Lưu.
“Đây là dịp để quần chúng Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lạc được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phát huy tinh thần đoàn kết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần đẩy mạnh và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã đề ra”, ông Hùng nhấn mạnh.
Tuần lễ Văn hóa, thể thao, du lịch - Chợ tình Phong lưu huyện Bảo Lạc năm 2022 được diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, như: Thi hát dân ca giao duyên và trình diễn trang phục dân tộc; thi các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian; tái hiện nét đẹp trong Hát lượn cọi - Nàng ới, trao khăn, giày vải của dân tộc Tày, Nùng; hát đối đáp giao duyên tìm bạn tình của dân tộc Sán Chỉ; tục giật khăn của dân tộc Dao đỏ; hát đối đáp và múa khèn của dân tộc Mông trong đêm áp phiên...
Tái hiện cảnh các thiếu nữ trang điểm bên đường trước khi vào chợ trong ngày chợ tình Phong lưu; tái hiện nghề đan lát, nghề thêu truyền thống của dân tộc Lô Lô; giới thiệu các tác phẩm cuộc thi sáng tác ảnh Nghệ thuật về Bảo Lạc với chủ đề "Bảo Lạc - Đất nước - Con người" năm 2021; sản phẩm, tác phẩm cuộc thi "Tìm kiếm các sản phẩm Du lịch huyện Bảo Lạc" năm 2022; không gian quảng bá, giới thiệu về Văn hóa, du lịch Non nước Cao Bằng; sự tham gia các không gian văn hóa các dân tộc, giới thiệu các sản phẩm đặc sản, sản phẩm du lịch của các huyện Bảo Lâm, Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).
Đặc biệt, trong các không gian văn hóa các dân tộc của huyện Bảo Lạc sẽ giới thiệu về giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ... các trích đoạn lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa tiêu biểu; các nghề truyền thống của các dân tộc gắn với không gian văn hóa; các gian hàng giới thiệu sản vật, sản phẩm OCOP nông sản đặc trưng của huyện Bảo Lạc...
Một số tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại đêm Khai mạc