Nếu như trong quan niệm đồng bào Thái, con trâu được xem là con vật thân thiết gần gũi với mỗi gia đình nên những ngày tết, người Thái thường gói bánh sừng trâu với mong muốn sức khoẻ như trâu mộng... Còn đồng bào dân tộc Thổ lại quan niệm, con chó là con vật trung thành, gần gũi…, vậy nên chiếc bánh đầu chó còn mang ý nghĩa gắn kết, gần gũi trong cộng đồng.
Để gói bánh, bà con người Thổ chuẩn bị trước một lượng gạo nếp tuỳ theo nhu cầu mỗi gia đình, lạt giang và lá cây chổi đót (chổi chít) làm lá gói bánh.
Gạo nếp được vo kỹ, xóc qua muối vừa đủ, để ráo nước. Lá chít còn tươi, lấy về rửa sạch xếp thành lớp. Mỗi chiếc bánh đầu chó chỉ dùng hai lá để gói. Lá được xếp thành hình phễu, xúc gạo nếp đã vo đổ vào (mỗi chiếc độ một muôi nếp) dùng tay ém chặt, khéo léo cuộn lá thật chặt thành hình đầu con chó, xong buộc bằng một sợi lạt giang dẻo.
Bánh gói xong thì xếp vào nồi, đổ ngập nước và nấu kỹ trong khoảng 2 giờ. Bánh chín, vớt ra để ráo và bảo quản nơi thoáng mát.
Thường trong mâm cỗ cúng những ngày tết, đĩa bánh đầu chó được đặt bên những xôi, thịt, rau dưa... tạo nên sự ấm cúng của ngày lễ, tết.
Vào những ngày Tết đến Xuân sang, chiếc bánh đầu chó còn là món quà mừng tuổi cho lũ trẻ. Trong những ngày xuân, khách đến chơi nhà được đồng bào Thổ mời ăn món bánh đầu chó sẽ cảm nhận được giá trị tình cảm, sự chân tình của chủ nhà qua món quà quê bình dị.