Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bản Sắt hôm nay...

An Yên - 09:48, 06/02/2023

Đã qua rồi những năm tháng lo sợ mỗi mùa mưa lũ, bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình hôm nay đã mang một diện mạo mới. Bức tranh ấy không chỉ là những mái nhà tái định cư vừa được xây dựng, không chỉ là các công trình dân sinh, đường giao thông được làm mới; mà hơn hết, bà con người Bru Vân Kiều trên đại ngàn Trường Sơn cũng đã nỗ lực, chung tay kiến thiết lại cuộc sống để bản Sắt hôm nay ngày một thêm ấm no.

Tiếng máy cày rền vang giữa đại ngàn Trường Sơn - người dân bản Sắt đã đưa máy cày vào sản xuất phục vụ nông nghiệp
Tiếng máy cày rền vang giữa đại ngàn Trường Sơn - người dân bản Sắt đã đưa máy cày vào sản xuất nông nghiệp

Nhớ lại hơn hai năm trước, bà con Bru Vân Kiều ở bản Sắt không khỏi rùng mình. Ấy là trận lũ lịch sử cuối năm 2020, gây ra ngập úng, sạt lở nghiêm trọng khắp dải miền Trung. Bí thư Chi bộ bản Sắt Hồ Văn Tuấn kể: Khi còn ở bản cũ, năm nào mùa mưa đến, các gia đình trong bản cũng đều phải gánh chịu cảnh ngập lụt kéo dài. Riêng năm 2020 thì tồi tệ nhất. Sau mưa lũ đã xuất hiện vết nứt lớn, kéo dài ngang triền núi, với nguy cơ sạt lở vùi lấp cả bản.

Không thể để bà con sống trong thấp thỏm, không thể để mối nguy hiểm đe dọa cuộc sống hàng ngày của dân bản, các cấp chính quyền đã quyết định an cư cho bà con Bru Vân Kiều bằng cách di dời tái định cư cả bản. Cuộc di dời lịch sử không hề dễ dàng, bởi lấy đâu ra kinh phí để thi công các hạng mục của tái định cư, rồi mặt bằng ở đâu để người dân dựng nhà, tổ chức sản xuất. Nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, tổ chức tái định cư, giao đất cho các hộ gia đình ở vị trí mới.

Sau hơn một năm nỗ lực của các cấp chính quyền, 34 hộ dân Bru Vân Kiều từng chịu cảnh sạt lở đe dọa ở bản Sắt đã an cư. Đặc biệt, con đường bê tông nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây với trung tâm bản Sắt sắp hoàn thành, rồi đây sẽ giúp cho việc đi lại, giao thương nông sản của người dân được thuận tiện hơn.

Dẫn chúng tôi vào bản tái định cư của đồng bào Bru Vân Kiều, Thiếu tá Phan Thanh Hải - cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô hồ hởi: Bản làng đã khoác lên mình diện mạo mới rồi, khang trang hơn nhiều. Nhà mới, đường mới và cánh đồng sản xuất cũng đã hối hả bước vào vụ mới.

Bao câu chuyện vui về cuộc sống mới của người Bru Vân Kiều mà chúng tôi được nghe từ cán bộ Biên phòng, đã khiến cho quãng đường từ trung tâm xã Trường Sơn vào bản Sắt như ngắn lại. Đúng như lời của Thiếu tá Phan Thanh Hải, bản Sắt đã hiện lên giữa núi rừng Trường Sơn với hai dãy nhà sàn, mái lợp tôn xanh, chạy dài theo cánh đồng lúa trước mặt. Trên con đường nội bản có cả hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời - món quà do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô xây dựng cho bà con. Không chỉ đường mà ở nhà văn hóa, trường học cũng có điện, nên đêm đến, việc đi lại, sinh hoạt của người dân rất an toàn và thuận lợi.

Bí thư Chi bộ bản Sắt Hồ Văn Tuấn (áo đỏ) và người dân trong bản trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô
Bí thư Chi bộ bản Sắt Hồ Văn Tuấn (áo đỏ) và người dân trong bản trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô

Câu chuyện về cuộc sống mới ở bản Sắt như cộng hưởng thêm, bởi tiếng máy cày rền vang tạo nên bản hợp âm của no ấm, của bình yên và hy vọng. Trên cánh đồng rộng gần 8 ha, 3 chiếc máy cày đang hoạt động hết công suất để bà con xuống giống vụ lúa Đông Xuân đúng kế hoạch. 

Thật tình cờ, một trong ba người đang điều khiển máy cày trên cánh đồng là Bí thư Chi bộ bản Sắt - Hồ Văn Tuấn. Dù đang say sưa với công việc nhưng nhận ra có khách vào bản, Bí thư Tuấn đã dừng máy cày ở mép ruộng, vẫy tay ra hiệu gọi một thanh niên khác đến tiếp tục công việc, còn mình cùng cán bộ Biên phòng về nhà trao đổi công việc.

Nơi ở của Bí thư Tuấn là căn nhà sàn hai tầng kiên cố, sạch sẽ, khung làm bằng bê tông, cốt thép, mái lợp tôn chống nóng. Bí thư Tuấn cười: Chuyển sang vị trí mới, cả mùa mưa lũ vừa qua, dân bản chúng tôi không còn lo lắng nữa, cuộc sống ổn định, khỏe mạnh hơn. Việc canh tác lúa nước dưới cánh đồng giúp cho Nhân dân quanh năm không lo thiếu lương thực, bà con cũng chăn nuôi thêm trâu bò, lợn gà để lấy thịt.

Chúng tôi để ý xung quanh mỗi căn nhà tái định cư của người dân, đã hình thành những khoảnh vườn nhỏ với nhiều loại cây, rau. Bao thanh âm của cuộc sống mới cứ thế hiển hiện, đặc biệt, khuôn mặt ai nấy cũng đều rạng rỡ. Niềm vui ấy không chỉ là câu chuyện từ đây thoát khỏi cảnh sạt lở núi và ngập úng khi mưa lũ; mà quan trọng hơn, người dân không còn lo đói vì đã có ruộng lúa nước, có gà, vịt, trâu, bò và những nương keo.

Ông Hồ Văn Muôn - Trưởng bản Sắt tâm sự: Công lao của cán bộ chiến sĩ Biên phòng Làng Mô rất lớn. Họ đã cùng chính quyền cầm tay chỉ việc, giúp đỡ bà con dân bản rất nhiều. Từ nay, dân bản chúng tôi sẽ yên tâm định cư lo cuộc sống mới.

Chuyển về tái định cư, do chưa có điện lưới, Bộ đội Biên phòng Làng Mô cũng đã hỗ trợ người dân xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên”. Đó là hệ thống điện chiếu sáng trên trục đường nội bản có 30 cột đèn năng lượng mặt trời. Ngoài ra, tại các điểm trường tiểu học và mầm non, nhà văn hóa cộng đồng của bản cũng đều có điện chiếu sáng.

Rời bản Sắt, trong chúng tôi, ai cũng khấp khởi. Bản Sắt chắc chắn sẽ ngày một đổi mới và khấm khá.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.