Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bản Mù đã "sáng"

PV - 16:52, 20/08/2021

Con đường bê tông phẳng nhẵn về Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trên nương, dưới ruộng lúa mùa phủ màu xanh miên man; xe máy, ô tô ầm ì nối nhau về bản… Tất cả, đã xóa tan ký ức của Bản Mù một thời ruộng hoang bỏ ngỏ, đói nghèo và nặng nề hủ tục. Bản Mù nay sáng điện quốc gia, những con đường “ý Đảng lòng dân” vươn xa tận bản làng...

Nhân dân xã Bản Mù chung sức làm đường giao thông nông thôn
Nhân dân xã Bản Mù chung sức làm đường giao thông nông thôn

Bản Mông Xi dần hiện ra trước mắt. Con đường về bản trước đây là đường đất, nên xe máy chỉ đi được mùa khô thì nay từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đã được bê tông hóa. Hai bên đường, những ngôi nhà khang trang lợp prô ximăng nằm san sát nhau. Già làng Mùa A Lứ gặp chúng tôi cười nói vui vẻ, vì hôm nay được ngồi sau xe máy con cháu chở đi phố huyện ăn bát phở nóng hổi, rồi lại ngồi xe máy ra nương để xem rau màu đơm hoa kết trái nhờ những giống cây trồng chất lượng cao.

Già Lứ chia sẻ: "Ngày xưa khổ lắm! Đi đâu cũng chỉ đi bộ. Muốn xuống chợ cũng phải mất cả ngày đường. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, Bản Mù có đường ô tô, có đường xe máy, kinh tế phát triển hơn. Người già như tôi muốn đi đâu cũng thuận lợi. Đồng bào vì thế mà yên tâm định canh định cư. Tôi rất vui và cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”.

Trên đường về Mông Xi, chúng tôi còn gặp vợ chồng trẻ Mùa A Khay và Giàng Thị Sông. Được biết, gia đình A Khay mới tách hộ, nên cuộc sống còn khá khó khăn, nhất là mấy năm trước, vợ chồng anh phải ở trong ngôi nhà tạm, mưa nắng lọt hết cả vào nhà. Vì thế, ước mơ xây dựng một ngôi nhà mới nghe chừng quá xa vời với cặp vợ chồng trẻ này.

Là hộ nghèo, gia đình A Khay được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cho sản xuất phát triển kinh tế và tích cóp dần. Năm 2021, niềm vui lớn "bất ngờ” đến khi cấp ủy, chính quyền địa phương lựa chọn để gia đình Khay được hỗ trợ nhà mới theo Chương trình của Bộ Công an với tổng trị giá 50.000.000 đồng. Vậy là, ước mơ đã trở thành hiện thực. Sau 2 tháng thi công, ngôi nhà gỗ khang trang rộng rãi được hoàn thành. Mùa A Khay phấn khởi chia sẻ: "Đúng là ước mơ đến sớm, nhà báo ạ! Từ nay, có nhà ở kiên cố rồi thì yên tâm phát triển kinh tế ở ngay quê hương mình thôi”.

Vui với niềm vui của bà con Mông Xi trước sự đổi thay của quê hương, chúng tôi trở lại thôn Mù thấp. Gọi là Mù thấp mà chẳng thấp chút nào. Giữa mùa Hè nắng như đổ lửa mà nơi đây sương mù giăng đầy lối đi, trắng trên đồi, ven suối. Sương sà vào mặt chờn vờn rồi từng cơn gió tạt vào người mát lẹm sống lưng khiến chúng tôi có cảm giác như đang trên đỉnh Sa Pa giữa buổi chiều bồng bềnh may trắng.

Ở đây, đồng bào sống bình lặng với niềm hạnh phúc rất giản dị như: Niềm hạnh phúc của anh Giàng A Phừ là cả nhà lúc nào cũng khỏe mạnh. Bởi khi trái gió trở trời phải đi viện, cả nhà 6 thành viên đều không phải lo quá nhiều kinh phí, vì gia đình anh Phừ thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Vậy là, vấn đề lớn của gia đình là sức khỏe đã được các cấp chăm lo.

Anh Phừ rất hài lòng với chính sách này. Anh chia sẻ: "Nhà mình được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước; trong đó, có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế khiến mình rất hài lòng và cảm thấy hạnh phúc khi được các cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo, kể cả việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Vì vậy, khi bị ốm mình xuống Trung tâm Y tế huyện và bỏ hẳn cúng ma như trước đây”.

Để người dân ai cũng được hài lòng với môi trường mình đang sống, xã Bản Mù còn thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước về đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để hơn 1.000 em học sinh trong xã được đến trường đầy đủ. Đặc biệt, thông qua các tổ chức, đoàn thể, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em nữ được đến trường, cán bộ nữ được học tập nâng cao trình độ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn đồng bào Mông chăm sóc khoai sọ nương đặc sản hàng hóa
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn đồng bào Mông chăm sóc khoai sọ nương đặc sản hàng hóa

Chị Giàng Thị Máy - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: "Tôi rất vui và hạnh phúc khi bản thân và chị em nữ là đối tượng được thụ hưởng chính sách đào tạo cán bộ nữ là người dân tộc. Từ chính sách này, tôi và nhiều chị em khác được học tập và rèn luyện cả về chuyên môn và chính trị, từ đó, có thể đóng góp sức mình cho sự phát triển của xã Bản Mù”.

Cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Mù đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phát huy tính tiên phong gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện đạo đức công vụ để có được niềm tin của người dân và phục vụ nhân dân tốt hơn; các chính sách an sinh xã hội của người dân được đảm bảo.

Theo đó, 100% dân số trên địa bàn xã được hưởng chính sách bảo hiểm y tế miễn phí; toàn xã có 60 km đường giao thông nông thôn được xây dựng; trong đó, có 8,7 km được đổ bê tông; 6 tháng đầu năm 2021, có 17 hộ được hỗ trợ về nhà ở; 810 hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ gần 33 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn xã hiện còn 45,32%.

Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù Hoàng Văn Đông chia sẻ: "Đảng bộ xã Bản Mù đã đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; từ đó, khơi dậy được tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với công việc, có thái độ phục vụ nhân dân tốt hơn, được người dân tin tưởng. Bên cạnh đó, xã còn đặc biệt quan tâm đến công tác giữ rừng, phát triển rừng để người dân được hưởng hai lợi ích, đó là lợi ích kinh tế và lợi ích phòng hộ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo môi trường sống an toàn cho người dân để họ định canh định cư xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Mặc dù, phía trước còn nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo ở Bản Mù còn cao, song tin tưởng dưới sự quan tâm của Đảng, sự đổi mới trong chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc theo tinh thần Nghị quyết XIX Đảng bộ tỉnh: Xây dựng Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” cộng với tinh thần đoàn kết của người dân Bản Mù sẽ sớm thoát khỏi xã nghèo, trở thành xã vùng cao xanh ruộng đồng, xanh nương rẫy, ấm ho và hạnh phúc hơn./.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.