Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng Jun khởi sắc

PV - 15:05, 09/08/2021

Làng Jun, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ (Gia Lai) có 85% dân số là người dân tộc Ba Na. Từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cảnh quan làng có nhiều đổi mới, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Phụ nữ làng Jun cắt tỉa hàng rào quanh nhà. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Phụ nữ làng Jun cắt tỉa hàng rào quanh nhà. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngôi nhà rông nằm ở vị trí trung tâm làng Jun trông thật khang trang, bề thế. Đó là thành quả của hơn 230 ngày công và 600 triệu đồng đóng góp của dân làng. Trưởng thôn Đinh Oeng chia sẻ: “Làng có 70 hộ với 366 khẩu, trong đó có 66 hộ người Ba Na. Khi phát động làm nhà rông, ai ai cũng phấn khởi, sẵn sàng góp công, góp của. Chúng tôi trích một phần quỹ chung của làng, phần còn lại do bà con đóng góp. Bây giờ, việc to việc nhỏ gì của làng đều được tổ chức tại nhà rông cả”.

Không chỉ chung tay làm nhà rông, người dân làng Jun còn cùng nhau hoàn thiện nhiều thiết chế văn hóa khác. Năm 2019, thấy làng chưa có sân vận động, gia đình ông Đinh Văn Niêng và Đinh Đới đã hiến tổng cộng 4 sào đất để xây dựng. Ông Niêng bày tỏ: “Mình góp 2 sào đất để làm sân vận động cho các cháu có chỗ đá bóng, vui chơi, bà con có nơi sinh hoạt. Mình không thấy thiệt mà còn vui lắm”.

Bà con trong làng cũng góp hơn 300 ngày công làm đường bê tông. Những tuyến đường nội làng sình lầy vào mùa mưa, bụi mù vào mùa khô đã được cứng hóa, bê tông hóa sạch đẹp, giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện. Thanh niên góp gần 70 ngày công giúp bà con đào móng làm nhà tiêu hợp vệ sinh, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, từng bước vươn lên trong cuộc sống. Huyện Đak Pơ dành khoản đầu tư cho làng 850 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng...

Cùng với đó, từ các phong trào do Chi hội Phụ nữ phát động như “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, làm con đường hoa, hàng rào xanh… mà cảnh quan, môi trường làng Jun cải thiện rõ rệt. Hiện 100% số hộ có hàng rào, vườn rau, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường.

Chi bộ, Ban Nhân dân thôn cũng đã triển khai các phong trào, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”... Chi bộ, Ban Nhân dân thôn phân công cán bộ, đảng viên đi đầu thực hiện nên các phong trào, cuộc vận động thu được những kết quả nhất định.

Cán bộ và Nhân dân làng Jun trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021, do địa phương cung cấp)
Cán bộ và Nhân dân làng Jun trao đổi về công tác xây dựng nông thôn mới. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021, do địa phương cung cấp)

Nhiều hộ đăng ký thực hiện nếp sống mới, loại bỏ tập tục lạc hậu, tệ nạn mê tín dị đoan. Nhiều gia đình tự lực vươn lên, mạnh dạn thay đổi cách làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện và năng lực. Đến nay, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên có tích lũy, trở thành hộ khá, hộ giàu, tiêu biểu như ông Đinh Văn Dước, chị Đinh Thị Săk…

Trưởng thôn Đinh Oeng cho biết: “Nhiệm vụ xây dựng làng nông thôn mới được triển khai chặt chẽ, có giải pháp phù hợp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm 2019, huyện công nhận làng Jun đạt chuẩn nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình đã làm thay đổi hẳn diện mạo của làng, cải thiện đáng kể đời sống của bà con”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Yang Bắc Phạm Thị Thúy: “Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ tập thể Chi bộ làng Jun đã đoàn kết, nhiệt tình, trách nhiệm, phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở. Đặc biệt, Chi bộ đã lãnh đạo Ban Nhân dân và các đoàn thể vào cuộc; lựa chọn nội dung phù hợp với địa bàn; phân công, giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên gắn với làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và thực hiện các phong trào, hoạt động của làng. Từ đó làm thay đổi căn bản về nhận thức để cán bộ, đảng viên và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới”./.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.