Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP

T. Hợp - 11:13, 09/03/2023

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương vừa thông tin cập nhật về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021 - 2025 chỉ điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương.

Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP Hà Giang tại Hà Nội
Giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP Hà Giang tại Hà Nội

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương.

Chương trình đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một "đại sứ" chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong quá trình triển khai, Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2018 - 2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cụ thể: Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm theo 6 nhóm.

Một số tiêu chí chưa phản ánh đầy đủ những vấn đề cần quan tâm, đề cập gắn với định hướng, tiếp cận của sản phẩm OCOP, khó thực hiện trong quá trình triển khai; cơ cấu điểm của một số tiêu chí chưa phù hợp với định hướng và yêu cầu của Chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng và phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn; quá trình tổ chức đánh giá, phân hạng chưa thực sự chặt chẽ, một số địa phương còn dễ rãi trong quá trình đánh giá ở một số tiêu chí.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019. 

Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021 - 2025 điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương. Cụ thể, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh, gồm: Hoa, cây cảnh và động vật cảnh; gộp nhóm sản phẩm về sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí thành Bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; bổ sung một số sản phẩm như: Mật ong, tinh dầu,…

Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021 - 2025 điều chỉnh, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm. (Ảnh minh họa)
Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021 - 2025 điều chỉnh, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm. (Ảnh minh họa)

Về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần, thành 40-25-35. Cụ thể: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng 40 điểm; khả năng tiếp thị 25 điểm, và chất lượng sản phẩm 35 điểm (cơ cấu theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg là 35-25-40).

Đồng thời bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số,… nhằm phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang phát triển đa ngành, hình thành sản phẩm tích hợp "đa giá trị",…

Về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, quy định về hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu, như: Phiếu đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình; phương án sản xuất kinh doanh,…

Đặc biệt, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.