Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh thông tin: Hiện nay, Phòng đang phối hợp với các xã, thị trấn khẩn trương hướng dẫn bà con hoàn tất thủ tục trình UBND huyện để thẩm định ra quyết định công nhận sản phẩm trong năm 2019. Cái khó là sẽ mất thời gian để thuyết phục bà con tham gia chương trình, vì khi hiểu ý nghĩa và lợi ích rồi bà con mới tham. Phòng cũng cử cán bộ tham gia trực tiếp để hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn bà con đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.
Chị Sơn Thị Sự, Tổ trưởng Tổ Hợp tác sản xuất cá khô thương phẩm Hương Quê (xã Khánh Hội) cho biết, các thành viên trong tổ đa số là dân tộc Khmer, bà con quen cách sản xuất truyền thống nên khi đi vào hoạt động theo đăng ký tiêu chuẩn OCOP cũng gặp những khó khăn. Tuy nhiên, khi được cán bộ tuyên truyền nắm được nội dung thực hiện chương trình OCOP, Tổ Hợp tác đang phát triển tốt.
“Do cá khô của Tổ hợp tác được làm từ nguồn cá tươi, lại không ướp các chất bảo quản nên chất lượng khô rất ngon, đảm bảo cho sức khỏe, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Các chị em trong tổ cũng hỗ trợ qua lại rất tốt, từ khâu chế biến đến khâu tiêu thụ. Hiện tại, trung bình mỗi tổ viên có mức thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày, chị em rất phấn khởi. Thời gian tới, sản phẩm của tổ sẽ được giới thiệu nhiều hơn qua Chương trình OCOP”, chị Sự thông tin.
Còn chị Trần Thị Bích Thủy, ấp 15, xã Khánh Thuận, là người đầu tiên trong huyện U Minh thành lập cơ sở sấy chuối khô. Đây là mô hình được áp dụng bằng phương pháp máy sấy, đã đưa vào hoạt động được hơn 3 tháng, khi được chọn thực hiện chương trình OCOP của huyện.
Chị Thủy cho biết, trước đây, gia đình cũng ép chuối khô bán nhưng làm thủ công và số lượng ít. Khi tìm hiểu thị trường và được hỗ trợ từ chính quyền, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Mỗi lần sấy khoảng 60 phút, đạt từ 70 đến 80kg chuối khô. Trung bình 4kg chuối tươi sẽ cho ra 1 kg sản phẩm chuối khô. Mỗi tháng, bán ra thị trường từ 400 đến 500kg chuối sấy khô, với giá bán 50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lãi hơn so với chuối tươi gấp 2 lần.
Thời gian tới, nếu sản phẩm tiếp tục có đầu ra ổn định, sẽ mở ra nhiều triển vọng từ thương hiệu đặc sản ở U Minh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM. Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn người dân hoàn tất các thủ tục đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, liên kết với các điểm du lịch ở các địa phương khác để ký kết cung cấp sản phẩm. Huyện cũng sẽ ưu tiên các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu, các sở sản xuất, HTX vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách để đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chương trình OCOP.
Huyện U Minh xác định được 9 sản phẩm thế mạnh đặc trưng của huyện gồm: Cây bồn bồn (xã Khánh An); nghề đan đát truyền thống và trái dâu Cái Tàu (xã Nguyễn Phích); rau sạch (thị trấn U Minh); cá lóc đồng (xã Khánh Lâm); cá khô biển (xã Khánh Hội); nấm rơm (xã Khánh Hòa); chả cá phi (xã Khánh Tiến); chuối xiêm (xã Khánh Thuận).N. TÂM