Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bài 2: Bác sĩ nơi vùng cao Việt-Lào

PV - 10:48, 28/02/2018

“Con muốn trở thành bác sĩ, để đem lại sức khỏe, niềm vui và hy vọng cho mọi người. Con sẽ là người thầy thuốc của bản làng mình mẹ ạ!”. Cách đây gần 30 năm, khi tận mắt chứng kiến người cha thân yêu của mình sống trong đau đớn vì bệnh tật mà không có cách cứu chữa, cậu bé Hồ Văn Dức, dân tộc Pa Kô, xã A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã nói với mẹ như vậy.

Tấm lòng của bác sĩ người Pa Kô

Niềm mơ ước đó đã trở thành sự thật. Giờ đây cậu bé dân tộc Pa Kô ngày nào đã trở thành bác sĩ; khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, 20 năm qua gắn bó với nghề y, anh dành hết trí lực, tình yêu và tâm huyết cuộc đời để tuyên truyền, vận động bà con đồng bào DTTS xóa bỏ những hủ tục mê tín, lạc hậu và khám chữa bệnh cho bà con dân bản vùng Lìa và người dân Lào sống dọc biên giới Việt-Lào.

Bác sĩ Dức luôn miệt mài với công việc. Bác sĩ Dức luôn miệt mài với công việc.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, Hồ Văn Dức một buổi giúp mẹ làm nương, bám rẫy, một buổi đến trường theo học con chữ, với ước mong thay đổi cuộc đời mình. Năm 2000, Dức theo học ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Y Huế rồi về làm việc tại Phòng khám đa khoa khu vực Lìa, huyện Hướng Hóa. Bác sĩ Hồ Văn Dức hết lòng.

Bác sĩ Hồ Văn Dức thăm khám cho bệnh nhân ở Phòng khám đa khoa khu vực Lìa, huyện Hướng Hóa Bác sĩ Hồ Văn Dức thăm khám cho bệnh nhân ở Phòng khám đa khoa khu vực Lìa, huyện Hướng Hóa

Bác sĩ Hồ Văn Dức chia sẻ: “Vùng Lìa có 7 xã giáp biên giới nước Lào. Những năm trước đây, vùng Lìa vô cùng heo hút. Con đường 40km dọc bờ sông Sê Pôn không ai dám qua lại, ngoài những người Pa Kô, Vân Kiều sinh sống rải rác bên sông. Cũng chính vì địa lý xa xôi, cách trở nên nhận thức của người dân về các dịch vụ y tế còn hạn chế.

Đặc biệt, không ít người trong vùng sống với tư tưởng cổ hủ và mê tín, trong nhà có người đau ốm, bệnh tật, họ không đưa đến trạm y tế khám, cũng không bao giờ cho bác sĩ đến nhà để chữa bệnh. Họ chỉ tin vào thầy bói, thầy mo chữa bệnh. Do vậy, không ít lần nghe tin có người bị ốm nặng, bác sĩ Dức tìm đến tận nhà thăm người bệnh còn bị người nhà đuổi về.

Quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân về việc chăm sóc sức khỏe, không quản ngại khó khăn, vất vả, bất kể ngày đêm, bác sĩ Hồ Văn Dức vẫn bền bỉ, kiên trì đến từng nhà, từng bản vận động, tuyên truyền hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh, động viên bà con đến khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế; thậm chí có những gia đình anh phải đi bộ hàng chục cây số mới đến được nhà.

Bác sĩ Dức đi bộ hàng chục cây số đến thăm khám cho bệnh nhân. Bác sĩ Dức đi bộ hàng chục cây số đến thăm khám cho bệnh nhân.

Không chỉ khám, chữa bệnh cho người dân, bác sĩ Hồ Văn Dức còn lo cơm ăn, chốn ở miễn phí cho hàng trăm lượt bệnh nhân nghèo ngay tại chính ngôi nhà của mình ở xã A Túc, huyện Hướng Hóa. Có những bệnh nhân sau khi xuất viện, vì cảm phục y đức của người bác sĩ tận tụy, hết lòng vì dân nghèo nên mỗi dịp Tết đến, Xuân về lại trèo đèo lội suối về thăm ân nhân của mình.

Với tấm lòng y đức, những kiến thức học được, cùng với kinh nghiệm từ thực tiễn hành nghề, bác sĩ Dức đã cứu chữa thành công nhiều ca bệnh khó, từ đó dần thay đổi suy nghĩ sự lo ngại “dám làm ngược lại thần linh” của đồng bào DTTS nơi đây, giúp họ tin vào y học, tin vào đội ngũ y bác sĩ.

“Vượt biên” cứu người

Vùng Lìa huyện Hướng Hóa nằm dọc biên giới hai nước Việt Nam-Lào, cách nhau bởi con sông Sê Pôn hiền hòa. Cho đến bây giờ, bác sĩ Dức vẫn còn nhớ một ngày đông lạnh giá, rét cắt da cắt thịt, bác sĩ nhận được tin báo của Thôn trưởng thôn Pariăng, xã Mường Noong (nước Lào) có một sản phụ trở dạ sắp sinh nhưng mất máu rất nhiều, đau bụng gần ba ngày nhưng chưa sinh được. Ngay lập tức, bác sĩ Dức liền sắp xếp dụng cụ, thuốc men cùng trưởng thôn vượt sông Sê Pôn để kịp thời cứu chữa cho sản phụ.

Sau khi thăm khám, nhận định đây là một ca sinh khó vì ngôi thai nằm ngược, sản phụ rất yếu vì mất máu quá nhiều, bác sĩ Dức đã động viên, thuyết phục người nhà nhanh chóng chuyển bệnh nhân vào Phòng khám đa khoa khu vực Lìa , mới có đủ thiết bị y tế để cấp cứu. Trời mưa, quãng đường từ thôn Pariăng đến phòng khám dài hơn 10km đường rừng, không có phương tiện chuyên chở, không có dụng cụ chiếu sáng, bác sĩ Hồ Văn Dức đã cùng người nhà sản phụ dùng cáng gỗ thay nhau khiêng chạy đưa bệnh nhân đến Phòng khám, kịp thời cứu được sinh mạng của hai mẹ con sản phụ.

Tiếng lành đồn xa, bà con các xã dọc biên giới nước Lào rất tin tưởng vào thầy thuốc Dức nên thường tìm sang Phòng khám đa khoa vùng Lìa để khám và chữa bệnh. Ông Pả Vân, ở bản Pa Lo, xã Mường Noong (Lào)-một người quen “đặc biệt” của bác sĩ Dức, vì hầu như tháng nào gia đình ông cũng có người đau ốm phải sang đây chữa bệnh.

Ông Pả Vân chia sẻ: “Gia đình mình ai cũng tin tưởng và yêu mến bác sĩ Hồ Văn Dức, thế nên mỗi khi bị bệnh, mình đều tìm qua phòng khám này để chữa trị. Bác sĩ Dức không những chữa khỏi bệnh cho gia đình mình mà còn nấu cơm cho gia đình mình ăn nữa. Bác sĩ giúp nhiều như vậy nhưng không lấy tiền mà còn nói để tiền đó bồi dưỡng cho lại sức”.

Suốt nhiều năm công tác tại Phòng khám đa khoa khu vực Lìa, bác sĩ Hồ Văn Dức đã luôn tận tụy, hết mình với công việc để phục vụ người dân. Bác sĩ Dức thường bảo, đã theo nghề y phải hiểu đây là nghề rất vất vả, đặc biệt người thầy thuốc phải lấy y đức làm đầu.

HÀ TRANG

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.