Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bạc Liêu: Tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Như Tâm (thực hiện) - 04:58, 25/11/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) sau hơn 3 năm triển khai đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh đã và đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc thuộc thẩm quyền, đồng thời kiến nghị với Trung ương các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình MTQG 1719. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu để về vấn đề này.

Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đoàn công tác tham quan mô hình lúa - tôm tại thị xã Giá Rai, Bạc Liêu
Ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và đoàn công tác tham quan mô hình lúa - tôm tại thị xã Giá Rai, Bạc Liêu

PV: Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của Chương trình MTQG 1719 trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh từ khi bắt tay thực hiện cho đến nay?

Ông Phạm Văn Thiều: Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn Bạc Liêu, tỉnh ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào DTTS nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế không gian sinh sống của đồng bào DTTS; từng bước rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển. Cũng như các địa phương khác, Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu thực tế chỉ mới triển khai trong gần 2 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 652/QĐ-TTg và Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp để thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có Chương trình MTQG 1719.

Thời gian thực hiện không dài và cũng có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tuy nhiên tỉnh đã chủ động tìm các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền địa phương. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ triển khai xây dựng nhà ở (50 triệu đồng/hộ) cho 393 hộ nghèo DTTS; 05 hộ nghèo DTTS được hỗ trợ đất ở, 02 trạm cấp nước tập trung được hỗ trợ xây dựng (2,6 tỷ đồng/trạm), 01 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được nâng cấp, sửa chữa. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 50 thiết chế văn hóa khóm (ấp) và 01 điểm đến du lịch được hỗ trợ đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức 03 lớp bồi dưỡng tiếng Khmer cho hơn 150 cán bộ công chức, viên chức nhóm đối tượng 3, 4 cấp huyện, xã ở các địa bàn có sự tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào DTTS; tổ chức 01 Hội nghị biểu dương Người có uy tín; tổ chức 21 cuộc tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho 1.260 đại biểu…

Ông phạm Văn Thiệu phát biểu tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vào đầu tháng 8/2023
Ông phạm Văn Thiệu phát biểu tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vào đầu tháng 8/2023

PV: Bạc Liêu đã triển khai những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thiều: Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Bạc Liêu luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ các chủ đầu tư, các địa phương. Cụ thể, tỉnh đã sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 30/9/2022 về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn Chương trình MTQG 1719; sửa đổi, bổ sung phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 và năm 2023 đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, tạo cơ chế thuận lợi cho các Sở, ngành và địa phương giải ngân nguồn vốn.

Tỉnh cũng đã thành lập Tổ Công tác Chương trình MTQG 1719 để tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, cơ quan chức năng tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra các chủ đầu tư, các địa phương về tỉnh hình triển khai các chính sách trên địa bàn. Trên cơ sở đó báo cáo, đề xuất lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư trong giải ngân nguồn vốn đúng mục tiêu, đúng đối tượng theo quy định.

Tại Bạc Liêu, Chương trình MTQG 1719 được triển khai tại 14 xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS của tỉnh; với nguồn vốn được Trung ương phân bổ là 58,4 tỷ đồng và hơn 8,7 tỷ đồng nguồn đối ứng 15% của tỉnh. Nhờ các giải pháp nêu trên, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình đã đạt khoảng 76%; từ nay đến cuối năm, Bạc Liêu tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 và sớm giải ngân nguồn vốn của 2 năm 2022, 2023.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp và nguồn đối ứng của tỉnh, trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình. Tuy nhiên, có 2 dự án không thể giải ngân được, do không có địa bàn thực hiện, phân bổ vốn và đối tượng thụ hưởng (trong đó có dự án 6 là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS).

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia tổ chức Ngày hội đoàn kết đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia tổ chức Ngày hội đoàn kết đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023.

PV: Xin ông cho biết, có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu?

Ông Phạm Văn Thiều: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh luôn được Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành đặc biệt quan tâm. Các ý kiến đề xuất, kiến nghị của tỉnh được tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết và đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế đặc thù trong sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, đất ở cho các hộ thụ hưởng.

Về phía địa phương, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Lãnh đạo tỉnh luôn dành thời gian để tổ chức các cuộc họp định kỳ, đột xuất nhằm lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để có sự chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ, nhất là việc đôn đốc, tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn. Các Sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời, từ đó hỗ trợ giải quyết, hướng dẫn chuyên môn cho chủ đầu tư các nội dung của Chương trình. Công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách cách làm được thực hiện tốt nên nhận được sự ủng hộ và đồng tình của các tầng lớp Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS.

Với những thuận lợi đó, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn phát sinh một số vướng mắc ngoài thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Đầu tiên, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, số lượng hộ DTTS nghèo, hộ DTTS cận nghèo của tỉnh tăng lên. Nhưng hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu không còn xã, ấp thuộc diện đặc biệt khó khăn nên không có chính sách để triển khai thực hiện cho đối tượng này như cấp thẻ BHYT, vay vốn tín dụng...

Đối với Chương trình MTQG 1719 có một số nội dung tỉnh Bạc Liêu không có đối tượng, không có địa bàn để triển khai. Như trong Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về ”Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” thì tỉnh không có đối tượng; trong Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về ”Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thì tỉnh có đối tượng, nhưng lại không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn; không có địa bàn thực hiện nên không thể phân bổ vốn Trung ương để thực hiện.

Hoặc ở Tiểu dự án 4 - Dự án 5 về đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp, theo Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg thì vốn chỉ phân bổ để đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng được phẩn bổ cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn. Tỉnh không còn địa bàn đặc biệt khó khăn nên không được phân bổ vốn. Chương trình MTQG 1719 vẫn được thực hiện tại các xã, ấp vùng đồng bào DTTS (xã khu vực II, khu vực I) nhưng lại không có kinh phí để đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng.

Ngoài ra, ở Tiểu dự án 3 - Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện có chức năng dạy nghề (được hướng dẫn sáp nhập theo Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015 của liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ. Đây là đơn vị trực tiếp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại cấp huyện, tuy nhiên, đơn vị này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục nên không thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình MQTG 1719. Do đó các trung tâm không thể sửa chữa, mua sắm trang thiết bị để phục vụ nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều trao học bổng cho các em học người dân tộc Khmer có thành tích học tập tốt.
Bạc Liêu luôn quan tâm thực hiện các chính sách về giáo dục. (Trong ảnh: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều trao học bổng cho các em học người dân tộc Khmer có thành tích học tập tốt)

PV: Để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719, Bạc Liêu có những kiến nghị gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thiều: Để thực hiện hiệu quả Chương trình MQTG 1719, tỉnh Bạc Liệu kiến nghị Trung ương xem xét, rà soát lại việc phân định các xã, ấp vùng đồng bào DTTS theo trình độ phát triển; trong đó, đề xuất bỏ nội dung quy định xã khu vực I là xã đã đạt chuẩn NTM hoặc điều chỉnh thành xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu nhằm phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời mở rộng đối tượng, địa bàn thụ hưởng các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 tại các xã, ấp có tỷ lệ hộ nghèo, hộ nghèo DTTS cao hơn so với quy chuẩn xã đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg, hiện nay chỉ là xã khu vực II, I.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 30, Thông tư số 02/2022/TT-UBDT (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 02/2023/TT-UBDT) của Ủy ban Dân tộc về hướng dẫn thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình MTQG 1719 có hướng dẫn và cho phép thực hiện việc đầu tư xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường liên xã tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhưng tại khoản 1, phụ lục IV của Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG 1719, địa bàn thực hiện phải là xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Vì vậy, dù tỉnh được phân bổ vốn sự nghiệp, có xã vùng đồng bào DTTS và miền núi để thực hiện nhưng không thể triển khai do không có địa bàn đặc biệt khó khăn. Bạc Liêu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, quy định phù hợp để có thể giải ngân, sử dụng nguồn vốn này.

Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên là đối tượng thụ hưởng của Chương trình MQTG 1719. Vì các Trung tâm này được sáp nhập từ Trung tâm dạy nghề thuộc Luật Giáo dục nghề nghiệp nên có chức năng, nhiệm vụ dạy nghề, là cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên vẫn thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình MTQG 1719.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.