Xin ông cho biết về tình hình triển khai và kết quả bước đầu việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh? .
Ông Trần Hoàng Nhỏ: Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 10 năm 2021. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022 mới được phân bổ vốn. Bên cạnh đó, cũng như các địa phương khác, việc triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình gặp rất nhiều khó khăn, do cơ chế chưa hoàn thiện và hệ thống văn bản hướng dẫn vẫn còn thiếu rất nhiều, chờ hướng dẫn.
Tuy nhiên, quan điểm của địa phương, đối với những dự án, nội dung thành phần cơ chế, văn bản hướng dẫn rõ ràng thì tập trung triển khai. Vì vậy, qua hơn 02 năm nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, tỉnh Cà Mau, nhiều chính sách đã đến được với người được thụ hưởng như: hỗ trợ đất ở, nhà ở cho 263 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 209 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 306 hộ thụ hưởng, với kinh phí thực hiện trên 14 tỷ đồng;
Các địa phương cũng đã bàn giao đưa vào sử dụng được 74 công trình xây dựng mới và 78 công trình duy tu, bảo dưỡng. Và đang tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 22 công trình và duy tu bảo dưỡng 20 công trình giao thông nông thôn vùng đồng bào DTTS, dự kiến hoàn thành trong năm 2023, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng (đã giải ngân gần 48 tỷ đồng)...
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đang vận dụng khá hiệu quả các nội dung hỗ trợ và nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn. Đánh giá từ thực tế, nhiều hạng mục công trình, dự án hoàn thành bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS
Như ông đã trao đổi, thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, ông có thể làm rõ hơn thông tin về những khó khăn đó là gì ?
Ông Trần Hoàng Nhỏ: Trước khi nói về khó khăn, vướng mắc, trước tiên cũng phải nhìn nhận hết được ý nghĩa, mục đích những tác động tích cực mà Chương trình mang lại cho đồng bào các DTTS ở những địa bàn khó khăn được thụ hưởng. Từ đó, có những mặt thuận lợi kể từ khi có quyết định thực hiện Chương trình này.
Cụ thể, đây là một trong ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình MTQG 1719 lần đầu tiên được triển khai thực hiện với nhiều nội dung mới, nhiều dự án, tiểu dự án và nội dung đầu tư phát triển. Khi triển khai, luôn được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, mục tiêu, nhiệm vụ hướng đến của Chương trình MTQG 1719 này rất phù hợp với nhu cầu, điều kiện cụ thể của các địa phương vùng đồng bào DTTS và phần đông hộ DTTS trên địa bàn tỉnh. Từ đó, luôn nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực, đồng thuận cao trong Nhân dân, nhất là đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng DTTS.
Đến nay, cơ chế chính sách của Chương trình đã cơ bản được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện; đối với các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719 phần lớn đã được các Bộ, ngành quản lý ở cấp Trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cái khó là khi triển khai thực hiện có liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thuộc nhiều cấp quản lý; nên việc áp dụng đồng thời, thống nhất về nội dung giữa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình, đã gây ra khó khăn nhất định đối với các địa phương vùng DTTS và quá nhiều văn bản. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình trên địa bàn vùng DTTS là rất khó khăn; việc đóng góp của người dân, cộng đồng cũng rất hạn chế.
Mặc dù Chương trình đã tích hợp nhiều chính sách dân tộc của các giai đoạn trước, nhưng cũng có khá nhiều nội dung mới, mang quy mô lớn, mục tiêu dài hạn; công tác triển khai và phương thức tổ chức thực hiện cũng khá mới so với các chương trình, chính sách dân tộc trước đây. Từ đó, ảnh hưởng nhiều đến công tác chỉ đạo điều hành và tiến độ triển khai thực hiện của địa phương.
Ngoài ra, theo kết quả phê duyệt danh sách xã, thôn ĐBKK theo Bộ tiêu chí mới, vùng DTTS của tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2025 đã bị thu hẹp đáng kể và số lượng các xã, thôn đặc biệt khó khăn cũng đã bị giảm đi rất nhiều so với giai đoạn 2016 - 2020; do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí, huy động nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo và các chương trình, chính sách dân tộc có liên quan, đặc biệt là đối với Chương trình này.
Với những khó khăn vướng mắc như trên, cách giải quyết của địa phương như thế nào, địa phương có kiến nghị gì, thưa ông?
Ông Trần Hoàng Nhỏ: Các khó khăn, vướng mắc như nêu trên chủ yếu là liên quan đến cơ chế tổ chức thực hiện Chương trình; hiện tại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ, ban ngành Trung ương đã ban hành một số văn bản bổ sung, điều chỉnh, qua đó đã tạo ra cơ chế ngày càng phù hợp, thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện tại địa phương.
Tuy nhiên, để Chương trình phát huy tối đa hiệu quả, cũng như tạo điều kiện cho vùng DTTS của tỉnh Cà Mau được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình, tỉnh Cà Mau trân trọng đề nghị, Trung ương tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện Chương trình MTQG 1719 đúng tiến độ; xem xét, ban hành cơ chế quy định riêng đối với các địa khu vực Đồng bằng Sông cửu Long nhằm mở rộng thêm địa bàn thụ hưởng của Chương trình MTQG 1719.
Cụ thể là quy định lại tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS theo trình độ phát triển (Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020) để phù hợp với điều kiện, đặc thù riêng của tỉnh Cà Mau và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì thực tế đã có nhiều địa bàn vùng DTTS của tỉnh, được đánh giá là thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Tuy nhiên, chủ yếu là do không đảm bảo tiêu chí về tỷ lệ hộ DTTS trên địa bàn (thấp hơn 15%), nên không được xem là vùng DTTS và do đó không được đưa vào để xem xét, phân định theo các tiêu chí xã khu vực III, II, I; cũng như đánh giá đối với các tiêu chí thôn ĐBKK.
Trong khi đó, hiện tại, các địa bàn này vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao; đang rất cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và kết nối với các địa bàn kinh tế trọng điểm của các địa phương.
Ban hành cơ chế ưu tiên về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương cho các tỉnh Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cao hơn khoảng 1,5 đến 2 lần so với định mức chung của Chương trình) để thực hiện các nội dung chính sách hỗ trợ về: đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt; nhất là định mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng DTTS của các tỉnh trong khu vực, nhằm phù hợp hơn với suất đầu tư thực tế của vùng.
Đồng thời, xem xét, hỗ trợ thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển; hàng năm, bố trí thêm nguồn kinh phí đặc thù, giúp cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện triển khai đầu tư các công trình bức xúc ở những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thường xuyên chịu tác động của biến đổi khí hậu. Góp phần hỗ trợ giúp chính quyền, Nhân dân và đồng bào DTTS các địa phương vùng DTTS nâng cao khả năng ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Trân trọng cảm ơn ông!