Góp phần xây dựng thế trận lòng dân
Xác định mục tiêu của tiểu Dự án 3, Dự án 3, thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719)", là xây dựng các mô hình gắn kết quân dân, mô hình giảm nghèo bền vững gắn phát triển kinh tế - xã hội, với xây dựng thế trận phòng thủ và thế trận bảo đảm hậu cần tại các địa bàn chiến lược. Đảng uỷ BĐBP Cà Mau triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng đến đồng bào khu vực biên giới biển cực Nam của Tổ quốc.
Trong đó, phải kể đến các hoạt động nổi bật gồm: Tổ chức tốt các hoạt động Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân biển”, “Xuân biên giới, Tết hải đảo”, “Tết quân dân”, “Tiếp sức đến trường năm học 2023 - 2024; Phát động tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão năm 2023, hưởng ứng “Tháng thanh niên năm 2023” trồng hơn 2.000 cây xanh, phát quang, thu gom rác thải tại các điểm tập trung đông dân cư.
Trung tá Võ Minh Đương, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho biết, các đồn biên phòng cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành thực hiện tốt các quy chế, quy định xây dựng đời sống văn hóa; khu dân cư có môi trường văn hóa lành mạnh, đảm bảo về an ninh trật tự, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua “BĐBP Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ đó, đã lộ diện nhiều mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với từng địa phương trên KVBG biển của tỉnh Cà Mau.
Nâng bước em tới trường
Đặc biệt, sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường", đã mang lại hiệu quả tích cực, đã có nhiều em đứng trước ngưỡng cửa sắp bị bỏ học thì tiếp tục được đến trường đến lớp.
Em Lâm Thuý An, dân tộc Khmer, ngụ ấp Biện Trượng, Lâm Hải, Năm Căn, hiện đang học 7, trường THCS xã Lâm Hải là một ví dụ. Em Thuý An chia sẻ: "Khi con học hết lớp 3 vào năm 2018, lúc đó con mới biết đọc và viết tiếng Việt, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con nghỉ học. Biết được hoàn cảnh của gia đình con, mấy chú BĐBP Đồn biên phòng Cửa khẩu Năm Căn đã đến nhà nhận con làm con nuôi của mấy chú, hỗ trợ chăm lo cho con được đi học đến bây giờ".
Hiện nay, trong toàn đơn vị BĐBP tỉnh Cà Mau đã công nhận đỡ đầu 38 cháu (trong đó, có 03 cháu là người DTTS) theo Chương trình “Nâng bước em tới trường” và hỗ trợ nuôi 22 cháu Mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Riêng “Lớp học tình thương” trên đảo Hòn Chuối có 12 cháu tham gia học (trong đó, 01 cháu là người dân tộc Khmer).
Từ đầu năm đến nay, BĐBP Cà Mau cũng đã trao số tiền gần 700 triệu đồng đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên KVBG nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024 và Tết Trung thu. Song song, các Đồn Biên phòng cũng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ tặng 2.022 suất quà, 10.800 quyển vở, 35 chiếc xe đạp, gần 1 tấn gạo, 200 chiếc áo cờ đỏ sao vàng cho các em học sinh trong Chương trình.
Trong số các hoạt động của Bộ đội Biên phòng, phải kể đến lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối do BĐBP triển khai và duy trì. Lớp học Tình thương do 8 cán bộ, chiến sĩ đơn vị trực tiếp giảng dạy hơn 20 năm nay, chủ yếu dạy xóa mù chữ, biết đọc, biết viết cho các em trên đảo.
Đại tá Phạm Minh Giang, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau cho biết, Đảo Hòn Chuối cách đất liền khoảng 18 hải lý từ cửa sông Ông Đốc ( Cà Mau) về hướng Tây Tây Nam, có 69 hộ/ 201 nhân khẩu, trong đó có 07 hộ/22 khẩu là người dân tộc Khmer. Trên đảo không có điện, trạm y tế và nước ngọt, đời sống của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và Nhân dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt là trẻ em trên đảo không có điều kiện đến trường.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP về chương trình xóa mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từ năm 1995 lớp học đã được thành lập. Tổng số học sinh theo học đến nay là 56 em, trong đó có 18 em được chuyển vào đất liền tiếp tục học tập, có 5 em đỗ đại học, ra trường có việc làm ổn định, số còn lại đang học hoặc nghỉ học tìm việc giúp đỡ gia đình.
“Đến nay có 100% các em trên đảo trong độ tuổi đến trường đều được đi học, biết đọc, biết viết, hoàn thành nội dung của chương trình giáo dục cấp tiểu học. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Hòn Chuối nhận đỡ đầu 2 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đạt thành tích tốt trong học tập, với số tiền 500.000 đồng mỗi cháu/tháng. Chúng tôi nhận thấy, ở những nơi điều kiện đời sống kinh tế đồng bào còn khó khăn, Chương trình càng phát huy hiệu quả và rất có ý nghĩa”, Đại tá Chính uỷ cho biết thêm .
Chương trình 1719, đã kịp thời hỗ trợ các em trong độ tuổi đi học (từ lớp 1 đến lớp 12) là người DTTS đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn; là con của người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới được tiếp sức từ các đơn vị Quân đội để các em được đến trường học tập, trang bị cho các em vốn kiến thức làm nền tảng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn cán bộ dân tộc cho địa phương.