Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sơn La: Tăng cường tuyên truyền về chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình MTQG 1719

Vương Minh - 21:03, 06/11/2023

Hỗ trợ phát triển sản xuất là một dự án thành phần (Dự án 3) quan trọng trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719). Dự án 3 bao gồm nhiều hoạt động, với nhiều cơ chế, chính sách; đồng thời lại được triển khai cùng lúc với các hoạt động hỗ trợ sản xuất thuộc 02 Chương trình MTQG khác. Do đó, để triển khai hiệu quả Dự án 3 thì công tác tuyên truyền để chính quyền cơ sở và người dân hiểu đúng, hiểu đủ về chính sách có ý nghĩa then chốt.

Khi người dân hiểu đúng chính sách

Là tỉnh có đông đồng bào DTTS (chiếm 83,51% dân số toàn tỉnh), Sơn La là một trong những địa phương có địa bàn đăc biệt khó khăn nhiều nhất cả nước. Giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 126 xã khu vực III (hiện đã có 01 xã ra khỏi danh sách xã nghèo vì đã về đích nông thôn mới) và 1.449 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT. Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, theo Quyết định số 582/QĐ-TTg, tỉnh Sơn La có 112 xã khu vực III và 1.408 thôn đặc biệt khó khăn.

Với điều kiện đó, những năm qua, từ nguồn vốn phân bổ của Trung ương, tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cho địa bàn này. Trong đó, với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhờ triển khai đúng đối tượng, trúng nhu cầu và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của các chính sách nên các dự án hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đem lại kết quả rất tích cực, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa ở Sơn La nay đã đổi thay rõ nét từ nguồn lực đầu tư, hỗ rợ phát triển KT-XH. (Trong ảnh: Đường trục liên bản ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai được bê tông hóa)
Diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa ở Sơn La nay đã đổi thay rõ nét từ nguồn lực đầu tư, hỗ rợ phát triển KT-XH. (Trong ảnh: Đường trục liên bản ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai được bê tông hóa)

Gia đình anh Lò Văn Thuận hiện là một trong những hộ khá giả ở bản Hán A, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai. Ít ai nghĩ cách đây khoảng 10 năm, gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất nhì của bản. Năm 2012, anh được cấp một con bò sinh sản từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất dành cho hộ DTTS nghèo. Được cán bộ xã tuyên truyền con bò là “cần câu” để giúp gia đình anh thoát nghèo, năm 2013, anh mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 20 triệu đồng mua thêm 4 con bò giống, xây dựng chuồng trại, rồi trồng thêm 1.000m2 cỏ voi… Từ 01 con bò sinh sản ban đầu, hiện gia đình anh Thuận đã 12 con bò, 3 con trâu, chăm sóc trên 500m2 ao cá, thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Cũng như gia đình anh Lò Văn Thuận, hàng chục nghìn hộ gia đình DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã vận dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên. Theo Báo cáo số 167/BC-BDT ngày 8/7/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La về phát huy vai trò của hộ gia đình đồng bào DTTS trong phát triển KT – XH và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2021, từ các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và tỉnh, các huyện, thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 120.000 lượt hộ về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản với sự tham gia của hơn 1.200 hộ; hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho hơn 2.000 hộ; hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc và trồng 1.339 ha rừng sản xuất; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng vạn người dân... Qua đó góp phần quan trọng để Sơn La hoàn thành đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Ở Sơn La hiện đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai)
Ở Sơn La hiện đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. (Trong ảnh: Mô hình nuôi cá lồng ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai)

Chú trọng công tác tuyên truyền

Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong những năm qua, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình phát triển KT - XH đã được quan tâm triển khai đồng bộ, hỗ trợ theo hướng sản xuất kết nối với thị trường, gắn việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước với vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội và vốn đối ứng của người dân. Công tác tuyên truyền được chú trọng, người dân nắm bắt được chính sách nên đã phát huy hiệu quả trong giảm nghèo, tăng giàu ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Từ năm 2021, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cùng với các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi từ nguồn ngân sách Nhà nước cơ bản đã được tích hợp vào Chương trình 1719. Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, ông Lường Văn Toán, sau gần 3 năm triển khai, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình 1719 đã được các địa phương trên toàn tỉnh triển khai kịp thời, đồng bộ, và đạt được những kết quả tích cực.

Cũng như các giai đoạn trước, để thúc đẩy phát triển vùng “lõi nghèo” của tỉnh, cùng với đầu tư hạ tầng kinh tế thì việc hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS là giải pháp trọng tâm, được tỉnh đặc biệt quan tâm khi triển khai Chương trình MTQG 1719. Sau khi được Trung ương giao vốn từ cuối tháng 5/2022, căn cứ vào Nghị quyết về nguyên tắc phân bổ nguồn vốn, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành Nghị quyết phân bổ vốn năm 2022 - 2023. Ngày 2/11/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2280/QĐ-UBND giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình MTQG 1719 để triển khai, trong đó có Dự án 3.

Nhờ triển khai đúng đối tượng, trúng nhu cầu và người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của các chính sách nên các dự án hỗ trợ sản xuất ở tỉnh Sơn la phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Hỗ trợ lợn giống nái sinh sản cho hộ nghèo 2 xã Chiềng Công, Chiềng Ân, huyện Mường La tháng 7/2022)
Nhờ triển khai đúng đối tượng, trúng nhu cầu và người dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của các chính sách nên các dự án hỗ trợ sản xuất ở tỉnh Sơn la phát huy hiệu quả. (Trong ảnh: Hỗ trợ lợn giống nái sinh sản cho hộ nghèo 2 xã Chiềng Công, Chiềng Ân, huyện Mường La tháng 7/2022)

Tuy nhiên, một khó khăn của tỉnh Sơn La nói riêng, của các địa phương triển khai Chương trình MTQG 1719 trong quá trình triển khai Dự án 3 hiện nay là một số văn bản hướng dẫn dẫn chiếu tới nhiều văn bản, thông tư khác nhau, cùng một nội dung nhưng lại thuộc nhiều chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Chỉ riêng nội dung hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị (Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 – Dự án 3), đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thì thực hiện theo Khoản 3, Điều 6 - Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ngày 25/5/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thì thực hiện theo Khoản 2, Điều 11 - Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính; đòi với Chương trình 1719 thì thực hiện theo Khoản 1, Điều 11 - Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 4/3/2022 của Bộ Tài chính.

Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, ông Lường Văn Toán, để triển khai Chương trình 1719, UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường phân cấp cho các địa phương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phần và tiến độ giải ngân nguồn vốn… Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS để tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện. Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng là giải pháp để chính quyền cơ sở và người dân hiểu đúng, hiểu đủ cơ chế để triển khai hiệu quả trong thực tiễn.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn NTM; 85% bản có đường giao thông từ xã đến bản được cứng hóa…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.