Lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân sự đóng góp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976), tác giả của bản Dạ cổ hoài lang và các bậc tiền nhân. Ghi nhận sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả đã có công phát triển bản Dạ cổ hoài lang và xây dựng phát triển nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu cải lương nói riêng.
Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, bản Dạ cổ hoài lang bước lên sân khấu cải lương đã khẳng định giá trị của loại hình nghệ thuật độc đáo đã, đang và sẽ luôn mãi trường tồn cùng dân tộc. Nghệ thuật đờn ca tài tử không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần, mà từ sân chơi đờn ca tài tử, thông qua những câu, đoạn vọng cổ đã làm say đắm lòng người.
Giá trị độc đáo của bản Dạ cổ hoài lang là bản nhạc tạo nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ vun đắp để bản Dạ cổ hoài lang dần lột xác từ nhịp 2 đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và nhịp 64; cho đến khi các danh ca, danh cầm xác định điểm thăng hoa của bài vọng cổ là nhịp 32, một điểm đến vừa đủ để bản vọng cổ tỏa sáng và phát huy hết công suất, vừa đủ để các tác giả cổ nhạc gởi gắm lòng mình vào 6 câu vọng cổ.
Mỗi một giai đoạn phát triển, bản Dạ cổ hoài lang lại tự hoàn thiện minh, không ngừng thâm nhập sâu rộng trong lòng khán giả và người hâm mộ. Sự kiện, tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang đã thật sự đi vào lòng người trong suốt 103 năm qua. Có thể nói, chính bản Dạ cổ Hoài lang đã góp phần cho nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, nhiều tác giả, soạn giả là người Bạc Liêu nổi danh trên sân khấu cải lương như: Sáu Lầu, Ba Chột, Hai Thơm, Bảy Cao, Năm Nghĩa, Cô Ba Vàm Lẽo, Bảo Quốc, Thanh Nguyệt, Ảnh Hồng, Yên Lang, Trọng Nguyễn...
Ông Lữ Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Dạ cổ hoài lang là niềm tự hào của Bạc Liêu bài ca bất hủ đi cùng năm tháng, chứng kiến bao cuộc đổi dời của đất và người phương Nam. Vượt qua không gian, thời gian, làm nên sự trường tồn, một thể loại âm nhạc độc đáo trong dòng chảy âm nhạc dân tộc và đã cách tân trở thành vọng cổ bài ca vua của nghệ thuật sân khấu cải lương Nam Bộ. Hơn 100 năm qua bản Dạ cổ hoài lang vẫn làm rung động hàng triệu con tim của bao thế hệ yêu nhạc và tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho nền nghệ thuật Việt Nam.
Dạ cổ hoài lang đi vào đời sống sân khấu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống âm nhạc dân tộc, trở thành di sản mang tính biểu tượng niềm tự hào của người dân Nam Bộ nói chung và người dân Bạc Liêu nói riêng. Vì thế cần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời không ngừng nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa của tỉnh.