Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bắc Giang: Bước đầu phát huy hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ngọc Diệp - 08:30, 16/06/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), tỉnh Bắc Giang đã và đang triển khai 10 dự án với hơn 100 đơn vị làm chủ đầu tư. Qua triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần giảm bình quân 2,35% tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2022 ở 73 xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh Bắc Giang; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1%, trong đó có những xã giảm nghèo hơn 10%.

Đồng bào DTTS nghèo huyện Lục Ngạn được hỗ trợ xây nhà
Đồng bào DTTS nghèo huyện Lục Ngạn được hỗ trợ xây nhà

Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, giảm hơn 3% tỷ lệ hộ nghèo người DTTS/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi bình quân giảm 2,5%/năm, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3%/năm, UBND tỉnh Bắc Giang đã dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để thực hiện 10 dự án; trong đó có hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ 884 hộ nghèo người DTTS, hộ người dân tộc Kinh nghèo sống tại vùng đặc biệt khó khăn cải tạo nhà ở... Ngoài nguồn lực của Trung ương, tỉnh, các địa phương đều có những giải pháp phù hợp tiếp sức cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi.

Thông qua thực hiện Chương trình, tỷ lệ hộ nghèo ở 73 xã vùng DTTS và miền núi năm 2022 giảm bình quân 2,35% so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của 28 xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 5,1% (trong đó có những xã giảm nghèo đến hơn 10%).

Cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã huy động nhiều nguồn lực giúp hộ nghèo cải tạo nhà ở. Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, nhiều công trình mới được sửa chữa, xây mới giúp đồng bào “an cư”, vươn lên thoát nghèo.

Vốn sức khoẻ yếu nên nhiều năm nay anh Lý Văn Khang (SN 1978), dân tộc Tày, trú tại thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) không thể làm những việc nặng, chỉ giúp đỡ vợ con những việc vặt trong gia đình. Khó khăn lại càng chồng chất khi năm 2022, anh Khang mắc bệnh nặng, thường xuyên phải đi điều trị. Mọi việc trong nhà đều do vợ lo liệu. 

Theo anh Khang, cuộc sống khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền công ít ỏi từ việc đi làm phụ hồ của vợ nên việc lo cái ăn, cái mặc cho con là ưu tiên hàng đầu đối với gia đình anh. Vì vậy, dù phải sống trong ngôi nhà cấp 4 dột nát, nền đất (xây dựng từ năm 1994) song gia đình cũng không thể có điều kiện để sửa chữa, cải tạo.

Đúng lúc khó khăn nhất, cuối năm 2022, gia đình được hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 để cải tạo nhà ở. “Từ số tiền này, gia đình tôi đã thay được mái ngói mới, gia cố tường, lát nền nhà và quét vôi, ve toàn bộ ngôi nhà. Giờ đây mỗi khi mưa bão, cả gia đình không còn phải nơm nớp lo ngôi nhà bị sập, tôi cũng yên tâm điều trị bệnh”, anh Khang nói.

Bộ mặt nông thôn mới vùng cao Sơn Động hôm nay đã có nhiều khởi sắc
Bộ mặt nông thôn mới vùng cao Sơn Động hôm nay đã có nhiều khởi sắc

Tại huyện Sơn Động, tổng nhu cầu vốn và huy động vốn thực hiện Chương trình cả giai đoạn 2021 - 2025 của huyện là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng với 20 đơn vị, xã, thị trấn làm chủ đầu tư.

Năm 2022, nguồn vốn huyện chủ trì thực hiện hơn 83,8 tỷ đồng, triển khai thực hiện 10 dự án thành phần về hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa mù chữ, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các DTTS…

Thực hiện dự án về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG 1719, các địa phương trong huyện đã thực hiện hỗ trợ 285 hộ cải tạo, xây mới nhà ở với tổng số tiền hơn 11,3 tỷ đồng. Ghi nhận tại huyện Sơn Động, để hỗ trợ 79 hộ DTTS, hộ người Kinh nghèo tại 16 xã, thôn đặc biệt khó khăn làm nhà ở, ngoài kinh phí hỗ trợ của cấp trên, UBND huyện đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ mỗi gia đình từ 20 - 30 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng thành lập tổ công tác hỗ trợ các hộ lập hồ sơ từ sớm, kịp thời giải ngân vốn vay cho các hộ có nhu cầu. Nhờ làm bài bản, chặt chẽ các khâu nên đến cuối năm 2022, huyện đã hoàn thành giải ngân vốn cho 79 hộ, tạo điều kiện cho các hộ triển khai xây dựng nhà ở. 

Để đồng bào hưởng lợi tối đa, năm nay, UBND huyện Sơn Động chuyển toàn bộ những diện hỗ trợ nhà ở theo Chương trình MTQG 1719 sang nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Theo đó, kinh phí hỗ trợ các hộ cải tạo nhà ở tăng từ 44 triệu đồng/hộ lên 70 triệu đồng/hộ; Ủy ban MTTQ huyện cũng vận động, giúp đỡ thêm 30 triệu đồng/hộ.

Đối với huyện Lục Ngạn, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn từ năm 2015 đến nay giảm sâu từ 21% còn 4,01% (giảm bình quân 3,53%/năm). Hiện tất cả các xã, thôn của huyện đều có đường ô tô đến trung tâm. Giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư; 14/29 xã về đích nông thôn mới. Đời sống Nhân dân cải thiện rõ rệt và thực chất.

Theo ông Vi Thanh Quyền - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang, các chính sách được triển khai như làn gió mới đối với những địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo động lực để các hộ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, so với các địa bàn khác, đời sống người dân vùng DTTS còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa.

Để Chương trình phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ông Vi Thanh Quyền đề nghị các huyện phối hợp với Ban triển khai thực hiện hiệu quả chương trình. Quan tâm rà soát các Dự án, Tiểu dự án thành phần, bảo đảm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định, phát huy được hiệu quả chính sách. Với các khó khăn, vướng mắc, Ban sẽ chủ động phối hợp tháo gỡ, từ đó, tối ưu hóa các giải pháp triển khai cụ thể từng Dự án, Tiểu dự án; khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là đồng bào DTTS tại các huyện miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.