Vang danh vùng đất chiến khu
Trên con đường nhựa thẳng tắp, hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, bà Hồ Thị Lít dân tộc Bru-Vân Kiều, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang dẫn chúng tôi đến thăm nhà ông Hồ Văn Xưng, một cán bộ giao liên ở chiến khu Ba Lòng năm xưa.
Trong ký ức về cái nôi cách mạng, ông Xưng bồi hồi nhớ lại: “Cho đến tận năm 1999, người dân Ba Lòng vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Gần 10.000 người dân sống chủ yếu giữa rừng, gần như biệt lập với bên ngoài. Giờ đây, chứng kiến cảnh quê hương thay da đổi thịt từng ngày, tôi vui mừng và phấn khởi lắm!”. Theo ông Xưng, cách đây gần chục năm về trước, người dân phải xuôi dòng Thạch Hãn về Hải Lệ, Hải Lăng để buôn bán bằng chiếc thuyền máy thô sơ. Từ ngày có chiếc cầu bắc qua sông Ba Lòng, đường sá đi lại thuận lợi, đời sống người dân nhờ đó mà đổi thay.
Có lẽ, sự đổi thay của người dân Ba Lòng được đánh dấu bởi sự kiện có điện thắp sáng từ năm 2000. Nhưng, điều làm cho người dân vùng chiến khu phấn khởi nhất là việc Nhà nước xây dựng chiếc cầu bắc qua sông Ba Lòng, được khánh thành, đưa vào sử dụng trong dịp 2/9 năm 2005. Cùng với chiếc cầu, một con đường dài 12km, nối từ Km 41 của Quốc lộ 9 chạy vào bờ Bắc cầu Ba Lòng được trải nhựa. Và từ bờ Nam của cầu Ba Lòng, là một con đường rộng 10m để ô tô về đến trung tâm xã.
Với 85% đồng bào là người dân tộc Bru - Vân Kiều, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở Ba Lòng giảm nhanh, chỉ còn 10,19%. 10/10 thôn của xã được công nhận Làng văn hóa. Xã đạt 11/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.
Niềm tin vào ngày mai
Để minh chứng cho sự đổi thay của Ba Lòng hôm nay, Bí thư Chi bộ thôn Tà Lang Hồ Thị Lít hào hứng dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng trồng đậu xanh của người dân Ba Lòng trải dài tới chân núi. Bà Lít bảo, năm nay thời tiết thuận, bà con ở Ba Lòng được mùa lạc, đậu xanh, mỗi vụ cho thu nhập 3 - 5 triệu đồng. “Đời sống của người dân mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể so với trước đây. Gia đình nào cũng có xe máy để đi, con em được đến trường đúng tuổi”, bà Lít cho biết.
Chỉ tay về phía cánh đồng đậu xanh xanh mướt, bà Lít nói: “Mấy năm vừa qua, đậu xanh là cây trồng chủ lực ở Ba Lòng, thế nhưng bà con ở đây vẫn phải tự tìm đầu ra cho nông sản, nên giá cả lúc cao lúc thấp không ổn định. Bây giờ chỉ mong có những đơn vị đứng ra bao tiêu đậu xanh thì bà con mới yên tâm để làm ăn”.
Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: Là một huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, Đakrông luôn xác định vai trò phát triển kinh tế là trọng tâm, là mũi nhọn từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Với vị thế là một vùng chiến khu cách mạng, xã Ba Lòng luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư phát triển về kinh tế - văn hóa - xã hội. Để đời sống của người dân Ba Lòng ổn định hơn, huyện có chủ trương sẽ chuyển đổi một số cây trồng chủ lực như giống ngô, lạc, đậu xanh sang giống thuần để nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, để đa dạng hóa nông nghiệp, huyện đang trồng thí điểm sâm Bố chính, nếu mô hình này hiệu quả sẽ trồng nhân rộng ở Ba Lòng cũng như các xã trên địa bàn huyện.
Dẫu biết rằng, giờ đây những đổi thay ở Ba Lòng thực sự là một “cuộc cải cách”, một sự “hồi sinh” tuyệt vời cho một vùng đất chịu nhiều tổn thương do chiến tranh gây ra. Nhưng để Ba Lòng thực sự phát triển bền vững, người dân được no ấm, xứng đáng với giá trị truyền thống của thế hệ cha anh thì cùng với nỗ lực, sáng tạo, cần cù trong lao động sản xuất của người dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp.