Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bà Đinh Thị Thảo,Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình: Ưu tiên nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp bách cho hộ nghèo, hộ DTTS khó khăn nhất

Văn Hoa - 05:32, 24/11/2023

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi tại tỉnh Hòa Bình. Để hiểu thêm về những kết quả đạt được và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh - với vai trò là cơ quan Thường trực Chương trình MTQG 1719, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh.

Bà Đinh Thị Thảo - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình
Bà Đinh Thị Thảo - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình

Thưa bà, với vai trò là Cơ quan Thường trực Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Hòa Bình, Ban Dân tộc đã thực hiện việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình như thế nào?

Tỉnh Hòa Bình hiện có 145/151 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, trong đó có 59 xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 12 xã khu vực II, 74 xã khu vực I và 86 thôn, xóm ĐBKK thuộc các xã khu vực II, khu vực I. 

Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, đây là vùng "lõi nghèo" của cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 có ỹ nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hòa Bình.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh; đồng thời sự quan tâm phối hợp thực hiện của các Sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Dân tộc đã tích cực, chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; các văn bản là cơ sở quan trọng để tiến hành tổ chức triển khai Chương trình MTQG 1719. Tham mưu phân cấp quản lý, cơ chế phối hợp, huy động nguồn lực và theo dõi, kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719...

Cụ thể như Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn làm cơ sở tham mưu trình Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình; Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 30/9/2022 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh về Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719...

Trong giai đoạn 2021-2023, tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục ổn định, Ban Dân tộc đã đề xuất cấp có thẩm quyền sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng vị trí việc làm, rà soát quy hoạch cán bộ quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức để có đủ năng lực, trình độ tham mưu thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2025.

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm quan và động viên các mô hình phát triển kinh tế tại huyện Tân Lạc
Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm quan và động viên các mô hình phát triển kinh tế tại huyện Tân Lạc

Tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo, giao cho Ban Dân tộc tỉnh là Cơ quan thường trực Chương trình MTQG 1719. Đồng thời, đã thành lập Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, để tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ đạo tổ chức điều phối các hoạt động của Chương trình trên địa bàn tỉnh. Cấp huyện, cấp xã cũng đã kiện kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG trên địa bàn và bộ máy giúp việc, quản lý để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Đến nay, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả như thế nào, thưa bà?

Với mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 giảm 33 số xã ĐBKK, 50% số thôn đặc ĐBKK, các cấp ủy, chính quyền tỉnh và Nhân dân tỉnh Hòa Bình, đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Địa phương luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã có điều kiện thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, các xã, thôn, xóm khó khăn nhất; giải quyết những vấn đề cấp bách cho hộ nghèo, DTTS khó khăn nhất.

Thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG 1719, vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2023 có tổng kinh phí 720 tỷ 680 triệu đồng (NSTW 635.706 triệu đồng; NSĐP 84.974 triệu đồng). Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển NSTW năm 2022 có tổng kinh phí 281.839 triệu đồng; năm 2023 có tổng kinh phí 438.481 triệu đồng. 

Vốn sự nghiệp giai đoạn 2021-2023, có tổng kinh phí 601.434 triệu đồng nguồn ngân sách trung ương. Kế hoạch năm 2022, kinh phí 149.025 triệu đồng; kế hoạch năm 2023, kinh phí 452.409 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổng nguồn vốn thực hiện lồng ghép năm 2021-2023 là 520.376 triệu đồng.

Theo đó, tỉnh Hòa bình đã triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án Chương trình MTQG 1719, nhiều Dự án đã phát huy hiệu quả tích cực ngay trong năm đầu tiên tổ chức, triển khai thực hiện. Điển hình như, thực hiện Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đến nay đã hỗ trợ 116 hộ nhà ở; 2.351 hộ chuyển đổi nghề; 16.150 hộ nước sinh hoạt phân tán; 20 công trình nước sinh hoạt…

Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp có công của lĩnh vực dân tộc. Đến nay, Hòa Bình đã hỗ trợ đầu tư tổng số 331 công trình, trong đó: 89 công trình Nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng; 172 công trình giao thông (đường ngõ xóm, nội đồng); 46 công trình đường trung tâm xã, đường liên xã; 12 công trình chợ; 150 công trình sửa chữa nhà văn hoá, nhà sinh hoạt công trình; 07 công trình thuỷ lợi; 05 công trình y tế….

Niềm vui của người dân xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc khi được hỗ trợ téc nước sinh hoạt từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Niềm vui của người dân xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc khi được hỗ trợ téc nước sinh hoạt từ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình MTQG 1719

Trong năm 2021, 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, tính đến hết tháng 8 năm 2023 toàn tỉnh đã giảm 08/59 xã ĐBKK còn lại 51 xã ĐBKK. Đến nay, Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,99%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% con em các xã được đến trường đúng độ tuổi; người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế… Có thể nói, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đã và đang góp phần vào sự phát triển đi lên của vùng đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình.

 Bà cho biết thêm về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp của địa phương để đảm bảo tiến độ, đạt mục đích, ý nghĩa Chương trình MTQG đặt ra?

Trong quá trình triển khai bởi Chương trình MTQG 1719 có quy mô lớn, nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, nên việc phối hợp còn hạn chế. Công tác tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022, năm 2023 của Chương trình 1719 còn chậm.

Việc thực hiện chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao đến năm 2025, có 33 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và có 43 thôn, xóm thuộc xã khu vực I, II thoát khỏi diện ĐBKK, đang là thách thức, khó khăn rất lớn cho tỉnh. Do nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn chủ yếu từ ngân sách nhà nước, việc vận động, huy động thêm các nguồn lực khác gặp rất nhiều khó khăn.

Với những khó khăn, thách thức đó, thời gian tới, trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu để thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Xác định tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, là tiêu chí để đánh giá chất lượng của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Đồng thời, tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình cấp cơ sở và bộ máy giúp việc khi có sự thay đổi về nhân sự, đặc biệt đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm trực tiếp tham gia thực hiện Chương trình.

Huy động, sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, nhất là các xã ĐBKK với phương châm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội bền vững với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh. Bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; cần có cơ chế lồng ghép, phân bổ nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Cân đối hợp lý ngân sách địa phương để đối ứng thực hiện và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình. Phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trên địa bàn tỉnh, vận động Nhân dân tham gia vào quá trình tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719…

Trân trọng cảm ơn bà !

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.