Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

30 năm mơ một nhịp cầu...

Phạm Việt Thắng - 09:57, 20/03/2023

Dòng suối Cướm ôm trọn vùng đất Na Mô, tạo cho bản này một khung cảnh rất thơ mộng. Có lẽ thế nên bản mới có tên là bản Cướm. “Giá mà quanh năm nước cứ hiền hòa chảy như thế thì chẳng nói làm chi, nhưng khi suối Cướm nổi giận thì cuốn phăng tất cả. Ta chỉ mong được một lần đi trên chiếc cầu như lời hứa của cán bộ định canh định cư cách nay 30 năm”, lời gan ruột ấy là của ông Lộc Văn Cảnh ở bản Cướm, xã Diên Lãm (Quỳ Châu, Nghệ An).

Chủ tịch UBND xã Diên Lãm Nguyễn Văn Dũng xót xa nói về cây cầu tạm tiềm ẩn nhiều hiểm nguy
Chủ tịch UBND xã Diên Lãm Nguyễn Văn Dũng xót xa nói về cây cầu tạm, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy

Giấc mộng 30 năm

Tôi nói với anh bạn đi cùng rằng, có lẽ đây là giấc mơ dài nhất trên đời. Mà đúng thôi, một bản làng đẹp đẽ nên thơ đến thế, bà con có quyền mơ, có quyền đòi hỏi một cây cầu để đi lại an toàn trong mùa mưa lũ. 

Như lời bà Lô Thị Nhất, ta chỉ ước trước khi nhắm mắt được nhìn thấy cây cầu bắc qua suối Cướm, kể cả đang dở dang cũng được. Bà níu lấy chúng tôi, kể bao nhiêu là chuyên khốn khổ mỗi khi mùa mưa lũ đến. “Đã có hai người bị lũ cuốn trôi rồi đấy. Tội nghiệp hai ông ấy, nước về nhanh quá, không kịp sang bờ, thế là bị cuốn trôi mất”, bà Nhất xót xa kể.

Bà Lô Thị Nhất: “Ta chỉ ước được nhìn thấy cây cầu bắc qua suối Cướm trước khi nhắm mắt”
Bà Lô Thị Nhất: “Ta chỉ ước được nhìn thấy cây cầu bắc qua suối Cướm trước khi nhắm mắt”

Nghe nói chuyện cầu, bà con đứng cả ra hiên nhà để có vài lời đề nghị. Ông Lô Văn Long - Trưởng bản Cướm rơm rớm nhớ lại: Hai người đàn ông lực lưỡng lắm, là Cả Thạch và Không Độ, đã không kịp lên bờ khi lũ bất ngờ đổ về, họ chết thảm quá.

Đoạn ông kể về “lịch sử” của bản Cướm. Hơn 30 năm trước, thực hiện chủ trương định canh định cư, bản Cướm được thành lập để đón dân từ nơi khác về. Bản làng đẹp đẽ là thế nhưng khổ nỗi mỗi mùa mưa lũ là bị chia cắt hoàn toàn. 175 hộ dân coi như bị “giam lỏng”, nội bất xuất ngoại bất nhập. Cơn lũ năm 2017 lớn lắm, căn nhà của bà Quang Thị Miết chỉ trong chốc lát đã bị cuốn trôi hoàn toàn.

Trưởng Bản Cướm – ông Lương Văn Long kể về cái chết của hai người đàn ông lực lưỡng
Trưởng Bản Cướm - ông Lương Văn Long kể về cái chết của hai người đàn ông lực lưỡng

Cũng lời ông Long, lo nhất là các cháu học sinh. Mùa mưa đến phải nghỉ học dài ngày, không nhà nào dám cho con đến trường, bởi ai dám chắc lũ sẽ không về. Mà cũng tội nghiệp cả các thầy, cô giáo nữa. Đến mùa mưa lũ, nhà trường lại phân công họ thay nhau túc trực, chừng nào tất cả 62 học trò qua suối an toàn mới được ra về.

Xót xa thật, nhưng xót xa hơn là lời tâm tình của cháu Lục Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp 9B, Trường THCS Hoàn Lãm: “Mùa mưa chúng cháu sợ lắm, không đám đến trường, phải nghỉ dài ngày nên không theo kịp chương trình. Rồi thóc lúa, hoa màu có khi đang trên đường về nhà, qua suối, không may là bị cuốn trôi hết. Tội nghiệp bố mẹ, dân bản lắm ạ”.

Cây cầu tạm bắc qua suối Cướm, một năm ít nhất hai lần bị nước lũ cuốn trôi
Cây cầu tạm bắc qua suối Cướm, một năm ít nhất hai lần bị nước lũ cuốn trôi

Một năm mấy bận xây cầu

Ông Lộc Văn Cảnh, hớt hải chạy từ rẫy về nhà, kịp gặp nhà báo để trình bày đôi điều. Ông nói trong hơi thở dốc: Hơn 30 năm trước, gia đình tôi đã đến bản Cướm để định cư. Hồi đó, nghe và tin cán bộ nên ai cũng hồ hởi rời nơi ở cũ về đây. Tôi nhớ rất rõ, cán bộ định canh định cư nói như đinh đóng cột, sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, nhất là ưu tiên xây cầu bê tông bắc qua suối Cướm trong thời gian sớm nhất.

 “Thế mà đã hơn 30 năm rồi, lời hứa của cán bộ năm xưa vẫn chưa thành hiện thực”, ông Cảnh buồn bã nói.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm thì thở dài: Từ khi có người bị nước lũ cuốn, bà con đã tự đóng tiền để làm cầu tạm qua lại. Cầu được “thiết kế” 6 nhịp. “Trụ cầu” được vanh bằng nứa, đóng cọc xung quanh để cố định, sau đó xếp đá đầy vào vanh, thế là thành trụ. Còn mặt cầu thì được ghép bằng ván gỗ, thứ mà người ta dùng để làm cốt pha. Khổ là, ít nhất mỗi năm hai lần, cầu bị nước lũ cuốn trôi, có năm bị trôi liên tục. Bà con lại hè nhau đóng tiền để làm lại cầu. Mỗi lần bị nước cuốn, xã lại phải ký giấy để xin Kiểm lâm cho chặt gỗ làm cầu. Câu hỏi của cán bộ xã với Trưởng bản Cướm, thường là: “Mới ký đó mà, lại ký nữa à”.

Trưởng bản Lương Văn Long xác nhận, đúng rồi, mỗi lần làm lại cầu, mỗi hộ phải đóng 100.000 đồng, chưa kể bao nhiêu là công sức của bà con.

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn, bởi sự xuất hiện của cụ Lô Thị Lợi. Cụ chỉ cây gậy sang bên kia sông mà rằng: “Ta năm ni gần 90 tuổi rồi, không mong ước chi nữa, chỉ mong có được cây cầu chắc chắn để con nít đi học đỡ nguy hiểm. Nhà ở bên ni nhưng ruộng nương lại ở bên tê sông, mùa mưa con cháu muốn đi làm cũng chịu, hoa màu không đưa về kịp, bị hư hại hết”.

Nhìn gương mặt nhăn nheo, đôi chân run run của cụ Lợi, tôi ước gì mình có một thứ quyền năng nào đó. Chao ôi, 30 năm chờ đợi một cây cầu, quả là giấc mơ miên trường của người bản Cướm.

Cháu Lục Thị Thảo Nguyên: “Bác ơi, bác có cách chi xin cho bản của cháu cây cầu…”...
Cháu Lục Thị Thảo Nguyên: “Bác ơi, bác có cách chi xin cho bản của cháu cây cầu…”...

Và tôi đã lặng người trước câu hỏi của cháu Lục Thị Thảo Nguyên: Bác ơi, bác có cách chi xin cho bản Cướm của cháu cây cầu không?

“Bác có cách chi không”, lời năn nỉ rất đỗi hồn nhiên và cũng đầy ray rứt của Thảo Nguyên cứ văng vẳng bên tai tôi, cho đến mãi hôm nay!

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.