Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Yên Thành (Nghệ An): Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao

An Yên - 11:36, 20/06/2023

Huyện Yên Thành (Nghệ An) đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 1/2 số xã trong huyện đạt nông thôn mới (NTM) nâng cao và NTM kiểu mẫu; đến năm 2028, trở thành huyện NTM nâng cao. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, huyện đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Huyện Yên Thành có 12 xã hoàn thành bộ tiêu chí NTM nâng cao
Huyện Yên Thành có 12 xã hoàn thành bộ tiêu chí NTM nâng cao

Mới đây có dịp về xã Tăng Thành - xã nằm kề liền trung tâm huyện, chúng tôi ấn tượng bởi các tuyến đường giao thông nông thôn nơi đây đã được bê tông hóa rộng rãi, cùng hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh và hoa. Đặc biệt là, khuôn viên của 7 nhà văn hóa của các xóm ở Tăng Thành đều quy hoạch, xây dựng trên diện tích từ 3.500 m2 đến gần 7.000 m2, được thiết kế theo một mẫu chung, trrang bị đầy đủ bàn ghế, tủ sách. Ngoài ra, nhà văn hóa còn lắp Camera an ninh, Wifi, có sân bóng đá mi-ni, sân bóng chuyền, sân khấu ngoài trời... phục vụ các hoạt động hội họp, sinh hoạt, văn hóa văn nghệ của Nhân dân.

Hiện nay, xã Tăng Thành đang xây dựng mô hình “xóm thông minh”, với các điểm truy cập Wifi công cộng, hệ thống Camera an ninh, số hóa từng nhà dân. Các xóm đang triển khai trang thương mại điện tử để giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản, các sản phẩm VietGAP, OCOP...

Nhà văn hoá ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành được đầu tư khang trang, đồng bộ
Nhà văn hóa ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành được đầu tư khang trang, đồng bộ

Chủ tịch UBND xã Tăng Thành Đào Văn Khai hồ hởi: Tiếp đà về đích NTM nâng cao, năm 2021, Tăng Thành đã đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu về văn hóa. Qua xây dựng NTM, người dân càng thấu hiểu, mình là chủ thể xây dựng, mình làm, mình hưởng nên rất tự giác, tự nguyện trong thực hiện, chung tay cùng chính quyền đóng góp xây dựng nhà văn hóa, hệ thống đèn chiếu sáng...

Cuối năm 2022, Tăng Thành đã hoàn thành các chỉ tiêu xã NTM kiểu mẫu, khi hầu hết các gia đình và khu dân cư được công nhận gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa liên tục nhiều năm liền; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,99%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 62 triệu đồng/năm, cao hơn bình quân chung của cả huyện…

Hệ thống đường giao thông ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành được xây dựng đồng bộ và hiện nay đang xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và lề đường
Hệ thống đường giao thông ở xã Bắc Thành, huyện Yên Thành được xây dựng đồng bộ và hiện nay đang xây dựng hệ thống điện chiếu sáng và lề đường

Tại xã Đồng Thành, theo lãnh đạo xã, xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, không ngừng nên địa phương đã tập trung sức mạnh tổng lực toàn dân, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chủ động xây dựng nhiều giải pháp, chú trọng việc huy động nguồn lực đầu tư gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mục đích không nằm ngoài việc góp phần cải thiện đời sống vật chất, cũng như tinh thần của Nhân dân và tạo diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại.

Theo đó, từ năm 2017 - 2022, Đồng Thành đã huy động được hơn 418 tỷ đồng trong xây dựng NTM nâng cao, trong đó người dân đóng góp gần 250 tỷ đồng. 

Máy móc đang thay thế sức người trong nhiều khâu sản xuất nông nghiệp ở Yên Thành
Máy móc đang thay thế sức người trong nhiều khâu sản xuất nông nghiệp ở Yên Thành

Còn tại xã Bắc Thành, xác định phát triển kinh tế là đòn bẩy để xây dựng các tiêu chí NTM còn lại, Đảng ủy và UBND xã Bắc Thành tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tổ chức sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều mô hình kinh tế bước đầu đã cho hiệu quả cao. Đặc biệt, các hợp tác xã phát huy tốt vai trò "bà đỡ" để giúp nông dân phát triển sản xuất. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Bắc Thành ước đạt 58,57 triệu đồng/năm; số hộ nghèo đa chiều chỉ còn 50 hộ, chiếm tỷ lệ nhỏ 2.75%. Song song, địa phương chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn; công tác bảo đảm an sinh xã hội... nhằm thúc đẩy Bắc Thành hoàn thành các tiêu chí của NTM nâng cao.

Đã có nhiều nhà máy may đầu tư và đi vào hoạt động ở Yên Thành
Ngành nghề công nghiệp cũng đang được chú trọng phát triển. (Trong ảnh: Trên địa bàn huyện Yên Thành đã có nhiều nhà máy may đầu tư và đi vào hoạt động)

Theo ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, là huyện nông nghiệp nên địa phương xác định việc xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Với mục tiêu đưa địa phương hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, huyện đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

Để triển khai một cách bài bản, huyện đã xây dựng hai đề án “xương sống” về xây dựng NTM nâng cao trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Đó là Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án xây dựng NTM nâng cao cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030. Đặt mục tiêu đến 2025, ít nhất 50% số xã (19 xã) đạt NTM nâng cao, và từ hai đến ba xã NTM kiểu mẫu. Xã nào thuận lợi, có điều kiện thì được huyện ưu tiên, chọn làm trước, để về đích trước năm 2025.

Áp dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch ở huyện Yên Thành
Mô hình áp dụng công nghệ cao sản xuất rau sạch ở huyện Yên Thành mang thu nhập cao hơn cho nông dân

Cùng với đó, Yên Thành còn tiến hành lập quy hoạch cho năm đô thị vùng và một đô thị trung tâm, tạo thành các khu vực trung tâm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của huyện trong tương lai. Huyện cũng tiến hành rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch NTM cấp xã theo hướng ưu tiên hoàn thiện việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật .

Với thế mạnh là nông nghiệp, Yên Thành tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo ra các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị lớn, các chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm chủ lực bền vững, khai thác tốt lợi thế vùng miền, tạo khả năng cạnh tranh cao của nông sản hàng hóa địa phương. Điển hình như Yên Thành vừa thu hút được Tập đoàn TH đầu tư nhà máy chế biến gạo, tạo thương hiệu gạo Yên Thành.

Nghề sơ chế lươn đồng đã giải quyết cho hàng chục lao động ở xã Long Thành, huyện Yên Thành
Nghề sơ chế lươn đồng cũng góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng chục lao động ở xã Long Thành, huyện Yên Thành

Ngoài nguồn lực huy động sự đóng góp trong Nhân dân, từ nay đến 2025, Yên Thành sẽ tập trung ngân sách các cấp (xã, huyện) vào chương trình đầu tư công, đầu tư NTM nâng cao và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nguồn vốn đầu tư là khá lớn, chưa kể giai đoạn 2026 - 2030, nên rất cần sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh.

“Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 99,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 - 80 triệu đồng/người/năm; 100% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đạt dưới 4%... Đến năm 2028, tất cả xã còn lại sẽ về đích NTM nâng cao. Đó là những chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cũng như toàn thể Nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Phan Văn Tuyên chia sẻ thêm.