Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Xây dựng NTM nâng cao: Nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi đối mặt với khó khăn thách thức

Thúy Hồng - 19:33, 02/04/2023

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương trong đó có vùng DTTS và miền núi đã hạ quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Vấn đề đặt ra là liệu có quá sức khi đa số các địa phương vùng DTTS, miền núi hiện vẫn đang còn phải chật vật để củng cố và giữ vững tiêu chí NTM .

Nhiều địa phương chật vật để giữ vững các tiêu chí NTM
Nhiều địa phương chật vật để giữ vững các tiêu chí NTM

Chật vật giữ vững tiêu chí NTM

Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang gặp phải rất nhiều thách thức, khi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có sự thay đổi theo hướng nâng cao. Theo đó, xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã đạt chuẩn NTM bao gồm 19 tiêu chí như: Nhà ở dân cư; thu nhập; nghèo đa chiều… Tuy nhiên, theo Bộ tiêu chí mới, các chỉ tiêu đều được nâng cao hơn, khiến cho các các xã chưa đạt hoặc đã đạt chuẩn tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao sẽ phải gặp nhiều khó khăn.

Như tại xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn (Lào Cai), được công nhận xã NTM vào năm 2015, sau 7 năm, diện mạo xã Hòa Mạc ngày càng thay da đổi thịt. Các tuyến đường bê tông vào các thôn, liên thôn phẳng phiu, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày một nhiều; hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ngày càng toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập của bình quân đầu người trên địa bàn xã là 42,2 triệu đồng/người/năm.

Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có sự thay đổi theo hướng nâng cao
Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM có sự thay đổi theo hướng nâng cao

Tuy vậy, sau khi áp dụng Bộ tiêu chí về xã NTM của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025, xã Hòa Mạc chỉ duy trì đạt chuẩn 14/19 tiêu chí NTM, 5 tiêu chí hiện không đạt gồm: Nhà ở dân cư; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế, Môi trường và an toàn thực phẩm; Quốc phòng và An ninh.

Không riêng gì Hòa Mạc, theo rà soát các tiêu chí NTM giai đoạn 2016 - 2020, tính đến tháng 7/2022, toàn huyện Văn Bàn có 10/21 xã đạt chuẩn NTM được UBND tỉnh công nhận, bình quân số tiêu chí/xã đạt 16,05 tiêu chí/xã. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đối chiếu với Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, bình quân số tiêu chí/xã huyện Văn Bàn chỉ đạt 10,6 tiêu chí/xã (giảm số tiêu chí bình quân là 5,45 tiêu chí/xã). Theo đó, trên địa bàn huyện Văn Bàn sẽ không có xã nào đạt tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí mới.

Tương tự, tại Sơn La, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 59 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các xã đã đạt chuẩn, là làm cách nào để giữ vững các tiêu chí đã đạt, khi Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều tiêu chí thay đổi, tăng về lượng và chất.

Ông Hà Như Huệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Sơn La, cho biết: Ngay cả giữ vững các tiêu chí đã đạt vẫn đang là thách thức ở nhiều xã, bởi được công nhận đạt chuẩn mới chỉ là bước khởi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương tham mưu, trình ban hành các quy định, cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai chương trình xây dựng NTM, bảo đảm theo quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Nhiều tiêu chí khó đạt

Sự thay đổi và nâng cao mức chuẩn của một số tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, là phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và để xây dựng NTM thực sự bền vững, đi vào chiều sâu, đáp ứng ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn.

Theo đó, trong giai đoạn này, để được công nhận đạt chuẩn NTM, các xã phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng được nâng cao, như: Tiêu chí số 10 về thu nhập năm 2022 phải đạt từ 44 triệu đồng trở lên/người và tăng theo từng năm đến năm 2025 là 53 triệu đồng); Tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới, quy định hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống, cao hơn gấp 2 lần chuẩn cũ là từ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống, nên nhiều xã tỷ lệ nghèo tăng cao. Những tiêu chí này đang là thách thức nhiều với địa phương ở vùng DTTS và miền núi.

Nhiều địa phương miền núi khó đạt chỉ tiêu về y tế
Nhiều địa phương miền núi khó đạt chỉ tiêu về y tế

Ngay như một địa phương ở vùng Trung du miền núi Vĩnh Phúc, năm 2022, tỉnh đặt ra mục tiêu có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, 60 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu, 4 huyện hoàn thành các tiêu chí thẩm định, nhưng đều không đạt mục tiêu đề ra.

Theo bà Lê Thị Lý - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), theo Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được Chính phủ bổ sung, huyện mới chỉ đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM. Bên cạnh đó, các xã đã về đích xã NTM nâng cao hiện nay phát sinh thêm nhiều tiêu chí chưa đạt.

Đối với Tiêu chí môi trường, việc phân loại rác thải tại nguồn, quy trình thu gom, vận chuyển rác tại các địa phương còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa đúng quy định. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung, yêu cầu đạt trên 65%, trong khi đó, một số xã đến nay vẫn chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

Ngoài ra, các xã NTM nâng cao hiện nay gặp rất nhiều khó khăn để duy trì thành quả đối với các tiêu chí liên quan đến hạ tầng giao thông, thủy lợi và tổ chức sản xuất, do thiếu kinh phí đầu tư các hạng mục…

Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 2/2023, cả nước đã có hơn 6.000 xã/8.211 xã ( hơn 73%) đạt chuẩn NTM, trong đó có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí. Tuy nhiên, Bộ này cũng đã chỉ ra quá trình xây dựng NTM còn nhiều hạn chế.

Các khi thực hiện các tiêu chí, địa phương phải “cân” mức độ tương xứng giữa kết quả đạt được với chi phí đầu tư cũng như lường trước những hệ lụy phát sinh và tác động đến khu vực miền núi
Khi thực hiện các tiêu chí NTM, các địa phương phải “cân” mức độ tương xứng giữa kết quả đạt được với chi phí đầu tư cũng như lường trước những hệ lụy phát sinh và tác động đến khu vực miền núi

Cần có giải pháp phù hợp

Tại Hội nghị toàn quốc "Hệ thống văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2023" vừa diễn ra vào giữa tháng 2 tại Hải Phòng, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong Chương trình NTM. Đó là, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành so với kế hoạch, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021 - 2025…

Cũng theo ông Trần Thanh Nam, kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như Đồng bằng sông Hồng: 100%; Đông Nam Bộ: 92,6%, trong khi đó miền núi phía Bắc mới đạt 47,5%, Tây Nguyên 57,8%. Hiện vẫn còn 4 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) thuộc khu vực miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%.

"Mặt khác, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là Tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Chương trình xây dựng NTM là chương trình có khởi đầu, nhưng không bao giờ có kết thúc, bởi các tiêu chí liên tục được nâng chất lên qua thời gian. Ban đầu là các địa phương phấn đấu đạt được chuẩn NTM và hiện nay, rất nhiều xã NTM đang nâng chất lên thành NTM nâng cao và trở thành NTM kiểu mẫu. 

Tuy nhiên, khi thực hiện các tiêu chí, các địa phương cần phải tiếp tục rà soát, “cân” mức độ tương xứng giữa kết quả đạt được, với chi phí đầu tư; cũng như lường trước những hệ lụy phát sinh và tác động đến khu vực miền núi, nông thôn và những gia đình nghèo... để có kế hoạch và giải pháp thực hiện phù hợp với thực tế trong tình hình hiện nay.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.