Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thái Nguyên: Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới

Vân Khánh - 09:44, 15/11/2022

Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 97% số xã và 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Từ kết quả đã đạt được, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xây dựng NTM theo hướng bền vững để thực hiện tốt mục tiêu này.

Quá trình xây dựng NTM đã làm thay đổi hành vi của người dân khu vực nông thôn đối với cảnh quan, môi trường nông thôn. (Trong ảnh: Người dân xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm).
Quá trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi hành vi của người dân khu vực nông thôn đối với việc tạo cảnh quan, môi trường sống sạch đẹp. (Trong ảnh: Người dân xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm).

Tăng tốc xây dựng NTM

Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2015, Đảng ủy, chính quyền xã Tức Tranh (huyện Phú Lương) đã đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và vận động Nhân dân huy động các nguồn lực duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Phong trào xây dựng NTM nâng cao diễn ra sôi nổi, rộng khắp, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống người dân nông thôn.

Theo thống kê, từ 2015 - 2021, xã đã huy động được trên 31,4 tỷ đồng xây dựng NTM nâng cao. Năm 2021 trên địa bàn xã không còn hộ nghèo. Đồng thời, xã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng hiện đại. Trong đó, xã định hướng Nhân dân phát triển mạnh về cây chè, đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực. Đồng thời, tích cực nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè thông qua việc mở rộng diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP đạt 60 ha và 40 ha chè hữu cơ. Đến nay, toàn xã có 4 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao. Ngày 31/3/2022, xã đã tổ chức đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.

Tại xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), là địa phương được lựa chọn để xây dựng NTM nâng cao vào năm 2023. Ngay sau khi về đích NTM (năm 2017), xã tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn.

Đến nay, bộ mặt nông thôn Phúc Thuận đã có sự chuyển mình rõ rệt, kết cấu hạ tầng được xây dựng khang trang, cuộc sống của người dân từng bước được nâng lên. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Phúc Thuận tiếp tục nâng cao 19 tiêu chí NTM, phấn đấu xây dựng xã trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm năm 2025. Trong đó, mục tiêu quan trọng những năm đầu là tập trung thực hiện hiệu quả xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông nông thôn.

Điển hình như ở xóm 4, xã Phúc Thuận, với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và 119 hộ dân, đến cuối năm 2021, xóm 4 đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận là xóm NTM kiểu mẫu. Người dân trong xóm đều phấn khởi, tự hào khi NTM đã giúp vùng quê nghèo khi xưa trở thành một miền quê đáng sống.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Phúc Thuận cho biết: Ngay sau khi được công nhận là xóm NTM kiểu mẫu, chúng tôi đã họp bàn và thống nhất triển khai các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao các tiêu chí. Đối với những tiêu chí còn yếu, còn thiếu như: Đường điện chiếu sáng, môi trường… chúng tôi tiếp tục vận động Nhân dân cùng góp sức, góp của phấn đấu để hoàn thiện.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở các thôn, xóm của huyện Định Hóa hiện đã được cứng hóa.
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn ở các thôn, xóm của huyện Định Hóa hiện đã được cứng hóa.

Nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM

Trong nỗ lực thực hiện Chương trình NTM, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực xã hội hóa, phát huy sáng kiến và những chính sách xây dựng NTM phù hợp với thực tiễn địa phương. Đồng thời, phát huy hiệu quả, vai trò phản biện, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất kết quả xây dựng NTM.

Thông qua phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2025 có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM. 

Đến hết năm 2025, tỉnh có 7 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có một huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng NTM đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.

Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM”, được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh, bảo đảm môi trường cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, tỉnh Thái Nguyên dự kiến huy động tổng nguồn vốn trên 55.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM hơn 10.000 tỷ đồng gồm: Ngân sách Trung ương 2.804 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.260 tỷ đồng, vốn lồng ghép 1.527 tỷ đồng, vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp 3.507 tỷ đồng và vốn tín dụng người dân vay phát triển sản xuất 45.000 tỷ đồng.

Diện mạo NTM ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ.
Diện mạo nông thôn mới ở xóm Trại Cài, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ.

Từ Chương trình xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét, tỷ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng NTM đạt trên 95%.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Thái Nguyên đang huy động mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến những nguồn xã hội hóa với những xã đã đạt chuẩn, huy động sức dân, sức lực của cộng đồng để triển khai hiệu quả chương trình chung sức xây dựng NTM, khơi dậy những khát vọng, ước muốn của người dân làm giàu cho quê hương. Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 6 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trở lên; phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và quyết tâm cao của người dân, Chương trình xây dựng NTM của Thái Nguyên trong giai đoạn mới, tiếp tục sẽ đạt được những kết quả tích cực, góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên, nhất là ở những địa bàn vùng đồng bào DTTS có bước phát triển tăng tốc hơn.

Tính đến tháng 6 năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 109/137 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 79,6%, bình quân đạt 17,87 tiêu chí/ xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM chiếm 33,33%, trong đó huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Tp. Thái Nguyên, Tp. Phổ Yên và Tp. Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM.


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.