Quảng Thịnh từng là một trong những xã khá khó khăn của huyện Hải Hà, với 6 thôn, 28% dân số là đồng bào DTTS sinh sống. Nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, UBND xã Quảng Thịnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tổ chức rà soát đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu về chuẩn NTM, NTM nâng cao...
Trên cơ sở đó, phân công cho các thành viên Ban Chỉ đạo, các ngành, đoàn thể liên quan phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu, với phương châm “phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực”, cụ thể là khai thác có hiệu quả các nguồn thu tại chỗ và huy động các tầng lớp Nhân dân đóng góp cùng thực hiện chương trình.
Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chung tay xây dựng NTM được đẩy mạnh. Xã đã phối hợp với các thôn tổ chức 7 buổi tuyên truyền, thu hút 240 lượt người dân tham dự. Đồng thời, biên soạn các bản tin tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống truyền thanh từ xã đến thôn.
Bà con còn tích cực đóng góp sức người, tiền của để xây dựng hạ tầng thôn, xóm. Từ năm 2020 đến hết 2021, các doanh nghiệp hỗ trợ xã 135 triệu đồng, Nhân dân trong xã đóng góp hơn 800 triệu đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn. Năm 2022, xã đã vận động được Công ty TNHH Vân Đồn hỗ trợ làm 200 m đường tại thôn 4, với tổng số tiền 300 triệu đồng...
Bà Nguyễn Thị Thái ở thôn 6 phấn khởi kể, được tuyên truyền về lợi ích xây dựng NTM, người dân trong thôn rất đồng thuận, đã có cả 100 hộ tự nguyện hiến đất, đóng góp gần 50 triệu đồng, hơn 700 ngày công lao động khai thác cát sỏi, giải phóng mặt bằng... “Bây giờ ở thôn, các đường liên xóm đã được bê tông hóa, sạch sẽ, khang trang. Cũng vì vậy, việc đi lại, trao đổi hàng hóa của bà con chúng tôi đã thuận lợi hơn rất nhiều”, bà Thái cho biết thêm.
Đến nay, 95% đường ngõ, xóm ở xã Quảng Thịnh đã được bê tông hóa. Từ những con đường đất nhỏ hẹp mà mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa lầy lội đã chuyển thành những dải đường bê tông dài và rộng. Ngoài ra, từ nguồn vốn huy động và nguồn ngân sách của xã, Quảng Thịnh còn xây dựng sân thể thao xã, vườn hoa, cổng trào, chỉnh trang một số nhà văn hóa, nhà vệ sinh tại các thôn... Người dân nơi đây vô cùng phấn khởi, vì xã đã khoác trên mình diện mạo mới.
Song song với việc “phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực” xây dựng hạ tầng nông thôn, các mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn ngày một đa dạng hơn như trồng chè, mía, thanh long... Hiện xã đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký 3 sản phẩm OCOP, gồm: hồng trà Loan Bính; trà nõn Loan Bính và trà Vân Lan.
Ông Triệu Văn Minh (thôn 5, xã Quảng Thịnh) cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, việc phát triển các mô hình kinh tế giúp người dân chúng tôi có thêm công ăn, việc làm, ổn định thu nhập. Nhờ đó, kinh tế các gia đình cũng được cải thiện hơn”.
Thực hiện bộ tiêu chí về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, xã Quảng Thịnh đạt 15/19 tiêu chí, 53/57 chỉ tiêu; còn theo bộ tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã đạt 10/19 tiêu chí, 57/75 chỉ tiêu.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Mạc Đình Triển, Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh cho biết:“Thời gian tới, xã Quảng Thịnh đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, đồng thời vận động người dân chuyển đổi cơ cấu lao động sang sản xuất công nghiệp. Xã cũng đang đề nghị huyện quan tâm đầu tư, đấu nối hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho 100% số hộ dân nơi đây. Xã đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2023 về đích NTM nâng cao”.