Thay đổi tư duy sản xuất
Vựa lúa Yên Thành mười năm trước chưa biết đến “mùi” của máy móc nông cụ. Một phần bởi tư duy, một phần bởi ruộng nương manh mún, nên sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sức người và sức kéo trâu, bò. Dẫu tất bật, vất vả nhưng năng suất hằng năm không cao.
Sau dồn điền đổi thửa năm 2012, những thửa ruộng nhỏ bỗng hóa to. Thế rồi, chủ trương xây dựng những cánh đồng lớn chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp khiến nếp nghĩ, cách làm của những “hai lúa” Yên Thành đổi khác. Vậy là nhà nhà sắm máy, người người mua xe phục vụ sản xuất.
Dẫn chúng tôi ra cánh đồng trước công sở, Chủ tịch UBND xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành - Nguyễn Đình Phong hồ hởi: “Tất cả mấy trăm ha đất sản xuất 2 vụ lúa của chúng tôi đã hơn 90% được cơ giới hóa. Nông dân giờ làm ruộng rất khỏe vì có máy móc tham gia vào tất cả các khâu từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch”.
Rời xã miền núi Thịnh Thành xuôi về vùng đồng bằng thuần nông như Long Thành, Bắc Thành, Khánh Thành, Trung Thành… đi đâu cũng bắt gặp những cỗ máy hối hả trên những cánh đồng. Vào những ngày mùa, không còn thấy bóng dáng trâu, bò ì ạch kéo, cày trên đồng, thay vào đó là tiếng máy nổ giòn tan khắp đồng trên bãi dưới, rất vui tai.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành phấn khởi cho hay: Vụ Đông - Xuân vừa rồi, năng suất lúa đạt gần 72 tạ/ha. Chỉ sau 5 năm dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nông nghiệp Yên Thành đã chuyển mình rõ rệt. Hiện, trên 95% khâu làm đất đến thu hoạch được áp dụng cơ giới hóa.
Đường lớn đã mở
Hiệu quả lớn hơn từ việc cơ giới hóa, ấy là đã mở ra một cách thức làm ăn mới, một hướng đi bền vững hơn cho ngành Nông nghiệp. Kể từ khi có máy móc, năng suất lúa của Yên Thành đã tăng khoảng 3 - 7 tạ/ha. Và với năng suất vụ Đông - Xuân năm 2019 đạt gần 72 tạ/ha - cao tốp đầu so với nhiều tỉnh, thành khác.
Cũng nhờ máy móc, Yên Thành đã tự tin hơn để xây dựng những cánh đồng tập trung sản xuất lúa giống với quy mô từ 30 -100 ha/vùng, những vùng cây ăn quả tập trung hàng chục ha… Nhiều cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngô đều áp dụng tiêu chí “bốn chung”: Chung đồng, chung giống, chung thời vụ, chung kỹ thuật, rất thuận lợi cho người nông dân. Máy móc kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giảm được chi phí đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế được nâng cao hơn từ 15 -25%.
Giải phóng được sức lao động, nâng cao thêm hiệu quả trên đơn vị diện tích, nông dân Yên Thành đã mạnh dạn “bắt tay” với nhiều doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Một số sản phẩm như cam, lúa… đã được liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giúp người nông dân yên tâm hơn.
Từ năm 2015 đến nay, huyện Yên Thành tổ chức kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa làm hàng hóa, lúa giống phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2018, 2019, diện tích liên kết sản xuất gắn tiêu thụ đạt hơn 2.000ha/12.800ha lúa. Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 200 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành “khoe”: Chúng tôi đang triển khai xây dựng các mô hình áp dụng cơ giới hóa khép kín từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch sản phẩm. Khi ấy, chắc chắn giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế còn cao hơn nữa.