Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có nền nông nghiệp phát triển nhất cả nước. Từ những ruộng lúa, vườn ngô xanh bát ngát, đến những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà bất cứ địa phương nào cũng muốn học hỏi. Thậm chí, Vĩnh Phúc còn là tỉnh đầu tiên đưa vụ Đông thành vụ sản xuất chính với mô hình trồng cây ngô Đông trên nền đất ướt.
Thế nhưng gần đây, người dân không còn mặn mà với vụ Đông nữa, do sản xuất nông nghiệp bấp bênh. Bên cạnh đó, việc các khu công nghiệp liên tục mọc lên, thu hút lượng lao động lớn với thu nhập ổn định cũng khiến nhiều người bỏ đồng ruộng.
Anh Nguyễn Minh Tiến, huyện Lập Thạch chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 3 sào ruộng nhưng chủ yếu chỉ làm 1 vụ, còn vụ Đông thì hầu như bỏ. Do vụ Đông là mùa mưa bão, thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây trồng, dẫn tới chi phí tăng, thu nhập thấp…”.
Hay như anh Hà Thanh Tùng ở Bình Xuyên, vốn có 5 sào ruộng, quanh năm mùa nào thức ấy, hết vụ lúa lại chuyển sang trồng rau, cà chua. Nhưng 5 năm trở lại đây, khi khu công nghiệp Bình Xuyên được xây dựng, anh và vợ là 2 lao động chính trong nhà đều đi làm công nhân. Theo anh Tùng thì 1 tháng lương làm công nhân được 5 - 7 triệu đồng, nên 3 sào ruộng của gia đình anh cũng đã bỏ hoang.
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân năm 2020 đạt hơn 53.000ha, giảm 1,51% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài diện tích rau các loại tăng, các loại cây trồng chủ yếu còn lại đều giảm. Cụ thể: Lúa đạt trên 29.000ha, giảm 0,87% so với cùng kỳ; ngô đạt hơn 8.000ha, giảm 15,76%; khoai lang đạt gần 2.000ha, giảm 6,94%; đậu tương 804ha, giảm 18,72%...
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đa phần diện tích đất bị người dân bỏ không đều nằm ở vùng chiêm trũng, khó canh tác.
Để bảo đảm cho vụ Đông năm nay, tỉnh đã hỗ trợ 70% chi phí cho nông dân mua các giống lúa chất lượng gồm BC15, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, ADI28, DQ11, DT39 Quế Lâm; hỗ trợ 50% chi phí mua mới nhiều loại máy nông nghiệp như máy làm đất, máy cấy, máy gặt đập liên hợp…
Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, sẽ chuyển đổi hơn 2.000ha cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm; trên 1.000ha chuyển sang trồng cây lâu năm và hơn 1.000ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với chính quyền các địa phương trong tỉnh tuyên truyền vận động người dân trồng các loại rau màu khác thay thế cho cây lúa để tránh lãng phí đất đai. Đồng thời, hướng dẫn nông dân chủ động đưa các loại cây trồng vào sản xuất vụ Đông sớm hơn để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Những vùng ruộng trũng, người dân nên điều tiết nguồn nước phù hợp để chăn nuôi cá, tôm, kết hợp chăn thả thủy cầm để đem lại nguồn thu nhập hiệu quả…